Ngày 19-11, hãng Reuters đưa tin, Thủ tướng Anh Theresa May đã tham dự hội nghị thường niên của Liên đoàn Doanh nghiệp Anh (CBI) và có bài phát biểu thuyết phục những người đứng đầu giới doanh nghiệp nước này ủng hộ bản dự thảo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU-Brexit) mà Anh và EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ.
Sự kiện này mở đầu một tuần mà Thủ tướng Anh mô tả là khốc liệt, một cuộc đua marathon để đảm bảo dự thảo Brexit nhận được sự ủng hộ trước thềm hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của châu Âu về Brexit diễn ra vào ngày 25-11 tới.
Ngày quyết định
Tờ New York Times cho biết, Thủ tướng Anh cũng đã lên kế hoạch đến Brussels, Bỉ trong tuần này.
Trả lời phỏng vấn Sky News, bà May nhấn mạnh: “Tôi làm tất cả không phải cho cá nhân tôi mà vì lợi ích quốc gia. 7 ngày tới thực sự là quãng thời gian khốc liệt”.
Nhưng chuyến đi này được dự báo không thể thay đổi được bất cứ điều khoản quan trọng nào trong dự thảo, từ khoản chi phí để Anh rời khỏi EU, quyền của công dân EU sinh sống ở Anh và ngược lại, cho đến kế hoạch ngăn chặn thiết lập một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Điều này càng được khẳng định với tuyên bố chắc nịch của Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth ngày 19-11: “Sẽ không có một thỏa thuận nào tốt hơn thỏa thuận đã đạt được”.
Không chỉ vất vả ngược xuôi tìm kiếm sự ủng hộ, bà May còn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tại quê nhà: cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nội các suy yếu trước khả năng có thêm nhiều bộ trưởng từ chức và dự thảo Brexit có nguy cơ cao không được Quốc hội Anh thông qua. Theo quy định, để tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh, 48 nghị sĩ của đảng Bảo thủ cầm quyền phải ký vào một lá thư gửi cho Chủ tịch Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ Graham Brady.
Nghị sĩ Simon Clarke, thành viên của nhóm phản đối Thủ tướng Anh trong đảng Bảo thủ, cho biết, ngày 19-11 sẽ là ngày quyết định đối với nhà lãnh đạo Anh khi các nghị sĩ đang cố tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trong khi đó, giới quan sát vẫn đang lo ngại về làn sóng phản đối dự thảo Brexit sẽ tiếp tục lan rộng trong nội các Anh sau khi hàng loạt bộ trưởng từ chức, trong đó có Bộ trưởng phụ trách Brexit. Nếu vẫn tiếp tục có thêm các bộ trưởng khác rút lui, bà May sẽ thực sự gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành bộ máy chính phủ cũng như giải quyết vấn đề Brexit.
Cửa ải Quốc hội
Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi châu Âu vào năm 2016 đến nay, chính trường Anh luôn ở trong tình trạng bị chia rẽ. Người ủng hộ Brexit với một thỏa thuận chấp nhận được, kẻ phản đối muốn một Brexit “cứng”, không có một thỏa thuận nào với châu Âu.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu để Bắc Ireland vẫn được hưởng các quy chế như khi còn ở EU như nêu trong thỏa thuận, Bắc Ireland sẽ dần chịu ảnh hưởng của châu Âu chứ không còn là một phần của Anh. Chính vì điều này, dự thảo bản thỏa thuận Brexit được dự báo sẽ khó thông qua tại Quốc hội Anh khi chia rẽ quá lớn.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn chỉ trích Chính phủ Anh đang cố gắng có bằng được một thỏa thuận “tồi”, một thỏa thuận không đáp ứng được những yêu cầu của lợi ích quốc gia bởi nó đe dọa làm xáo trộn và tổn hại đến nền kinh tế Anh.
Thỏa thuận nếu không được thông qua thực sự sẽ là một điều tồi tệ. Nó sẽ khiến tầm ảnh hưởng của Anh kém đi, không còn đáng tin cậy. Nếu Quốc hội Anh nói không với thỏa thuận Brexit, cử tri Anh sẽ tham gia một cuộc trưng cầu ý dân mới với 3 lựa chọn: ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng May hoặc ở lại EU hoặc ra đi mà không có thỏa thuận nào.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu Quốc hội Anh bác thỏa thuận Brexit của bà May, Công đảng đối lập sẽ ngay lập tức kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử hoặc trưng cầu ý dân mới.