Cuộc đua khoáng sản chiến lược ở Trung Á

Trong bối cảnh thế giới ngày càng khao khát các nguyên tố đất hiếm, Trung Á đã trở thành thị trường khai thác khoáng sản chiến lược đầy tiềm năng của châu Âu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với nhóm 5 quốc gia giàu tài nguyên ở Trung Á là Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan), Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra gói đầu tư trị giá 12 tỷ EUR (13,2 tỷ USD) cho Trung Á theo chương trình Cổng thông tin toàn cầu.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, “Trung Á có một phần đáng kể trữ lượng khoáng sản toàn cầu và châu Âu muốn đưa ra một lời đề nghị công bằng và đặc biệt. Là đối tác, chúng tôi muốn xây dựng chuỗi giá trị địa phương cho các khoáng sản quan trọng. Điều này có nghĩa là giá trị được tạo ra trong khu vực sẽ ở lại đây và tạo ra nhiều việc làm”.

Bà Ursula von der Leyen cũng khẳng định cách tiếp cận của châu Âu khác biệt so với các quốc gia khác, khi EU cam kết xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh trực tiếp trong khu vực, thay vì chỉ coi đây là nguồn cung nguyên liệu thô để xuất khẩu.

Nhận định về bước chuyển động ngoại giao của EU, chuyên gia tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM) Marcin Popławski cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của EU với Trung Á. Hai năm qua, khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với Brussels trong việc khai thác tiềm năng về năng lượng và giao thông.

Theo ông Samuel Vesterbye, Giám đốc tổ chức tư vấn Hội đồng Láng giềng châu Âu, rất nhiều nguyên liệu thô quan trọng mà EU cần đều có ở Trung Á. Ví dụ, silicon cần thiết cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời, trong khi vonfram cần thiết cho việc phát triển radar và nhiều thiết bị quốc phòng khác, còn lithium giữ vai trò quan trọng cho việc sản xuất pin. Các quốc gia Trung Á giàu cả 3 loại này và nhiều loại khác nữa nhưng phần lớn các nguồn tài nguyên này mắc kẹt trong bối cảnh ngành khai thác chưa phát triển.

EU đang là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á, chiếm hơn 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua, tập trung vào các lĩnh vực chính như: dược phẩm, xây dựng, năng lượng và nông nghiệp.

Các nhà lãnh đạo Trung Á đều hiểu rằng nếu không có vốn, bí quyết và công nghệ của nước ngoài, việc tận dụng tiềm năng tài nguyên địa phương là không thực tế. Các hành động phối hợp sẽ giúp họ đạt được thành tích tốt hơn trong việc sản xuất nguyên tố đất hiếm và kim loại hiếm, từ đó đảm bảo được vị trí của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

K8b.jpg
Một mỏ khai thác khoáng sản tại Kazakhstan. Ảnh: GOV.KZ

Kazakhstan, quốc gia có tiềm năng lớn nhất trong khu vực, không bỏ lỡ cơ hội này. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố REM là một trọng tâm trong quan hệ giữa Astana và EU.

Theo ông Kassym-Jomart Tokayev, Kazakhstan hiện đang sản xuất 19 trong số 34 loại nguyên liệu thô thiết yếu cho nền kinh tế EU, bao gồm các kim loại quan trọng như uranium, titan, đồng, lithium và vonfram. Tổng thống Tokayev đã đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu khu vực về REM tại Astana, nhằm cung cấp thông tin cập nhật cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư về các mỏ, công nghệ khai thác và chiến lược phát triển tiềm năng.

Theo Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan, tổng trữ lượng nguyên tố đất hiếm dự kiến của Kazakhstan, bao gồm mỏ Kuyraktikol, có thể trên 20 triệu tấn. Nếu được xác nhận, phát hiện này có thể đưa Kazakhstan trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về REM, có khả năng chỉ đứng sau Trung Quốc và Brazil về trữ lượng.

Tin cùng chuyên mục