Liên tục mở điểm bán mới
Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op (Công ty Co.op Food) trực thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa đồng loạt khai trương 3 cửa hàng mới tại TP Thủ Đức (TPHCM) là Co.op Food CC Rainbow S1.07, Co.op Food CC Rainbow S3.02, Co.op Food CC Origami S7.03. Trước đó, Co.op Food cũng đồng loạt khai trương 6 cửa hàng tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh (TPHCM); quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Đại diện Công ty Co.op Food cho biết, các cửa hàng mới khai trương nằm trong chiến lược mở mới của hệ thống này, thực hiện chủ trương đem sản phẩm chất lượng với giá bình ổn đến với người tiêu dùng.
Theo ghi nhận, vừa đưa vào hoạt động, những cửa hàng mới của Co.op Food đã tổ chức loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng như: siêu ưu đãi thực phẩm tươi sống lên đến 30% cho hơn 50 mặt hàng; mua 1 tặng 1 các mặt hàng thực phẩm công nghệ và hóa phẩm; nhân đôi điểm thưởng cho khách hàng thành viên; “Hái lộc đầu xuân - mừng Tết mới” với cơ hội trúng 100% phần quà nhu yếu phẩm cực hời… Những chương trình này đã giúp chuỗi cửa hàng Co.op Food thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, mua sắm.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op, khẳng định, việc mở thêm nhiều cửa hàng là nỗ lực của Saigon Co.op nhằm đưa hàng bình ổn giá, hàng Việt Nam chất lượng phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp tết của người dân khắp mọi miền.
Ngoài các cửa hàng Co.op Food, từ cuối năm 2023, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động 2 siêu thị Co.opmart tại tỉnh An Giang, Tiền Giang và mở thêm nhiều cửa hàng Co.op Smile, Cheers… Trong chiến lược năm 2024, Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở thêm các điểm bán mới ở nhiều địa phương, qua đó góp phần đưa nhiều đặc sản địa phương vào hệ thống các điểm bán của Saigon Co.op phục vụ khách hàng.
Và không chỉ Saigon Co.op, trước thềm năm mới 2024, nhiều điểm bán lẻ thuộc các hệ thống của Satra, Winmart, Central Retail… cũng lần lượt được đưa vào hoạt động tại nhiều tỉnh thành. Việc các nhà bán lẻ liên tục đưa thêm điểm bán mới vào hoạt động được các chuyên gia nhận xét là do thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất tiềm năng!
Cuộc đua khốc liệt
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đánh giá, bức tranh bán lẻ của Việt Nam trong dài hạn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Ông Đức dẫn chứng, năm 2023, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tiếp hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao… tới Việt Nam tìm hiểu về thị trường bán lẻ; giới thiệu, mở đường cho sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở Việt Nam.
Theo ông Đức, việc hợp tác ngoại giao đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước rất phát triển đã tạo nên những xúc tiến rất lớn vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, những chính sách vĩ mô, cụ thể là quan hệ giữa lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ giá ngoại tệ thời gian qua đã cải thiện tích cực. Điều này đã và đang tác động rất lớn đến ngành bán lẻ, giúp ngành tăng trưởng khả quan trong năm 2023 (năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.231,8 ngàn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2022 - theo Tổng cục Thống kê).
Theo các nhà bán lẻ, nhiều năm nay, thị trường Việt Nam đã trở thành mảnh đất đầy tiềm năng thu hút các doanh nghiệp cả khối nội và ngoại quan tâm, đầu tư. Chia sẻ gần đây với báo giới Việt Nam, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)- văn phòng tại TPHCM nhấn mạnh, các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản muốn gắn bó và gần như 100% muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
“Hiện dân số Việt Nam đang đứng thứ 3 ASEAN và dự đoán sẽ vượt Nhật Bản trong tương lai. Cùng đó, mức thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000USD và tầng lớp thu nhập trung lưu, cao cấp ngày càng tăng khiến thị trường này càng tăng sức hấp dẫn về tiêu dùng”, ông Matsumoto Nobuyki nói.
Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được Công ty tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney xếp thứ 9/35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021. Về quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam, theo Bộ Công thương, đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng những năm tiếp theo.
Chính những yếu tố này đã khiến thị trường ngày càng thu hút các doanh nghiệp tích cực mở mới cửa hàng để gia tăng thị phần. Điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn, buộc các nhà bán lẻ nội địa phải có chiến lược để có thể tồn tại. Để giúp doanh nghiệp bán lẻ nội có thể giữ vững thị phần và tăng năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Anh Đức đề xuất, cần quy hoạch tổng thể lại cung - cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi.
Saigon Co.op và CJ Group vừa hợp tác phát triển và khai thác dự án kho Saigon Co.op hướng Tây TPHCM - KCN Lê Minh Xuân 3. Đây là dự án nằm trong cụm kho của Saigon Co.op và được khởi công vào tháng 10-2023, dự kiến đi vào hoạt động tháng 7-2024. Kho Saigon Co.op hướng Tây TPHCM có trang thiết bị và mô hình vận hành bán tự động (semi-automation) tiến tới tự động (automation) giúp đảm bảo chuỗi cung ứng phát triển bền vững, phục vụ chiến lược phát triển mạng lưới điểm bán Saigon Co.op.
Việc đưa vào hoạt động dự án này nhằm giảm áp lực hàng hóa, rủi ro tại các kho hướng Đông, giúp công tác quy hoạch, tái đầu tư hệ thống kho thuận lợi, phân khu các khu vực phục vụ của siêu thị, cửa hàng, định hướng bố trí cung đường giao nhận hàng hóa hợp lý hơn để giảm chi phí vận chuyển.
Nếu ứng dụng thành công những nền tảng công nghệ tự động hóa tiên tiến của CJ logistics vào lĩnh vực hậu cần bán lẻ, hiệu quả hoạt động hậu cần sẽ tăng lên đáng kể, làm tiền đề vững chãi để tiết giảm chi phí vận hành chung.