“Cuộc đua” đến bàn ăn Việt

Trong xu hướng hội nhập thị trường thương mại tự do, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân đang thay đổi theo hướng tìm kiếm sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 
Chuyên gia Cẩm Vân hướng dẫn thực hiện 7 món ăn ngon chỉ trong vòng 60 phút với các sản phẩm Co.op Organic
Chuyên gia Cẩm Vân hướng dẫn thực hiện 7 món ăn ngon chỉ trong vòng 60 phút với các sản phẩm Co.op Organic

Đặc biệt, đối với mặt hàng thực phẩm công nghệ, chế biến như đường, dầu ăn, bánh kẹo… người dân luôn ưu tiên chọn những sản phẩm có uy tín. Chính vì vậy, để giữ được thị phần, nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm đang có cuộc “chạy đua” lên bàn ăn Việt bằng chất lượng và an toàn sản phẩm.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

Dự báo là một trong những mặt hàng có tiềm năng tăng tiêu thụ trong thời gian tới, ngành dầu ăn tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa tốt để tăng trưởng. Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu thực vật Tường An, khi người dân thu nhập ngày càng tăng thì họ sẽ chi tiêu nhiều hơn và hướng đến những sản phẩm cao cấp. Do đó, cùng với việc phát triển mặt hàng dầu ăn, trong năm 2018, công ty sẽ tập trung thâm nhập vào ngành thực phẩm đóng gói. Trong đó, dự kiến giá trị ngành thực phẩm của Công ty CP Dầu thực vật Tường An đạt khoảng 250.000 tỷ đồng; tăng 6,2% so với năm 2017. Đặc biệt, công ty cũng chú trọng liên kết với các thương hiệu mạnh để phát triển ngành hàng thực phẩm đóng gói. 

Còn với định hướng chủ động đa dạng ngành hàng, Công ty CP Tập đoàn KIDO đang liên kết với các đối tác, hướng đến tăng trưởng bền vững dựa trên năng lực sản xuất, phân phối sản phẩm đa dạng như thực phẩm thiết yếu, thực phẩm ướp lạnh, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi… Trong đó, có thể kể đến mục tiêu hướng đến các căn bếp Việt, cụ thể là gian bếp và tủ lạnh, Tập đoàn KIDO đã ký kết hợp tác với Tập đoàn TTC về phân phối đường Biên Hòa. Đây là thương hiệu 22 năm liền được vinh danh “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, phù hợp định hướng phát triển của KIDO. 

Trong xu hướng phục vụ lối sống xanh và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng thực phẩm an toàn, Công ty CP Vinamit đã đưa ra thị trường sản phẩm sữa chua sấy đông khô YO’V, nước uống dinh dưỡng từ trái cây, bánh snack… Đặc biệt, mảng rau hữu cơ sẽ có thêm một số chủng loại mới, sản lượng tăng khoảng 300 - 400 kg/ngày. Với chiến lược phát triển này, Công ty CP Vinamit cho thấy định hướng cạnh tranh bằng sự khác biệt, tiện ích và giá cả phù hợp nhu cầu thị trường. Đồng thời, luôn trung thành với chủ trương đi vào uy tín thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng. Song song đó, tập trung vào thế mạnh về công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy khô và công nghệ sinh học, Vinamit thực hiện lộ trình sau giai đoạn đầu tạo ra sự khác biệt sẽ là giai đoạn đi vào chiều sâu, mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn. 

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op), cho biết hầu hết mặt hàng tại quầy hàng sản phẩm organic ở hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn TPHCM đều được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, sức hấp dẫn được tạo ra bởi trên quầy hàng organic của Co.opmart kinh doanh đa dạng các sản phẩm Co.op organic như gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua…; cải ngọt, cải xanh, rau muống..; phi-lê cá basa và tôm sú… Đồng thời, các sản phẩm organic của Saigon Co.op còn lần lượt được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế của tổ chức USDA (Mỹ), JAS (Nhật), EU... Việc Saigon Co.op tham gia đầu tư, kinh doanh sản phẩm organic không nằm ngoài mục tiêu thu hẹp khoảng cách từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và giảm khâu trung gian để có sản phẩm chất lượng cũng như giá thành tốt nhất.

Đáp ứng nhu cầu thị trường 

Hiện nhu cầu dinh dưỡng tại Việt Nam đang ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn dinh dưỡng quốc tế, đòi hỏi chất lượng hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng cần được cải thiện và đảm bảo. Đơn cử, kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho thấy người tiêu dùng rất e dè khi lựa chọn sản phẩm xuất xứ từ những quốc gia có nhiều scandal tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, quan tâm hơn những giá trị mà các thực phẩm có lợi cho sức khỏe mang lại. Kết quả này tương đồng với khảo sát về Top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện; trong đó, 2 yếu tố chọn mua sản phẩm có lợi cho sức khỏe hay sản phẩm hữu cơ/tự nhiên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn cao nhất với tỷ lệ chiếm 77%, tiếp theo mới đến các yếu tố khác. Dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng hàng năm 10,9% tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020. Điều này cho thấy với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, cùng lượng khách du lịch tăng nhanh và sự phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ rộng khắp, ngành thực phẩm tại Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ thu hút đầu tư.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận định nhu cầu thị trường cả nước nói chung và TPHCM nói riêng rất đa dạng. Trong đó, ý thức tiêu dùng của người dân ngày càng cao nên yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe. Trước bối cảnh này, các kênh phân phối hiện đại đã có sự chuyển biến căn bản trong nhận thức thu mua hàng hóa với quy trình chặt chẽ hơn. Ngoài ra, để giúp ngừoi tiêu dùng yên tâm mua sắm, tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh, các kênh phân phối hiện đại đã chủ động công bố tiêu chí thu mua hàng hóa rõ ràng. Điển hình, đối với các mặt hàng thực phẩm thì tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi đảm bảo các tiêu chí truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm được nuôi trồng, sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Haccp… Mặt khác, các nhà cung cấp phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định như giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng từng sản phẩm, bao bì, thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Ngành chế biến lương thực thực phẩm TPHCM luôn có tốc độ tăng trưởng ổn định, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển của 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp TPHCM nói chung. Trong đó, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá theo chỉ đạo của thành phố tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Cụ thể, với kỳ vọng nhanh chóng nắm bắt được cơ hội phát triển cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam có uy tín, quy mô lớn như Vinamilk, Vissan, Ba Huân... đã và đang chú trọng việc đầu tư mạnh vào hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục