Liên tục ra dịch vụ lôi kéo khách
Theo Cục Viễn thông, con số 424.455 thuê bao đăng ký chuyển mạng chưa thực sự gây ra ảnh hưởng, biến động lớn trên thị trường di động. Việc triển khai cung cấp dịch vụ ban đầu gặp nhiều khó khăn và những phản ứng chưa tích cực từ xã hội với những lý do như: thời gian chuyển mạng kéo dài; nhiều thuê bao yêu cầu chuyển nhiều lần nhưng vẫn không được; điều kiện chuyển mạng chưa rõ ràng, quy trình nghiệp vụ còn nhiều điểm chưa hoàn thiện; đặc biệt là việc doanh nghiệp (DN) từ chối sai, gây khó dễ cho thuê bao đăng ký chuyển mạng…
Song, thực tế cho thấy chuyển mạng giữ số đã tạo nên cuộc đua lớn của các nhà mạng. Một cán bộ quản lý của nhà mạng thốt lên: “Quan trọng bây giờ là giữ khách hàng, tìm khách hàng về dùng mạng nhà mình, có như vậy nhân viên mới có lương”.
Số liệu mới nhất của Cục Viễn thông cho thấy, số liệu thuê bao đăng ký chuyển đến mạng Viettel từ ngày 1 đến 19-5 là 74.140, trong khi số chuyển đi là 49.818; tương ứng ở VinaPhone là 46.108 và 55.347; MobiFone là 18.046 và 26.157; Vietnamobile là 1.076 và 9.766. Tính từ khi áp dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số, Viettel dẫn đầu với số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến lớn nhất - 215.153 thuê bao (tính đến ngày 19-5); VinaPhone xếp thứ 2 với 209.786 thuê bao mong muốn chuyển đến; MobiFone là 79.854 và Vietnamobile là 2.458 thuê bao.
Lo lắng khách hàng rời đi, các nhà mạng liên tục ra các dịch vụ, gói cước để giữ chân khách cũ và “rủ” thêm khách hàng mới. Như MobiFone ra gói cước MobiF với ưu đãi miễn cước thuê bao và hoàn 25% cước phát sinh trong 6 tháng liên tiếp; hay khi mua iPhone, Samsung, Bphone… khách hàng chuyển mạng giữ số sang MobiFone kèm các gói cước sẽ được trợ giá máy lên đến 45%.
Trong khi đó, VinaPhone với hàng loạt gói cước hấp dẫn cùng giảm trực tiếp 20% cước trên hóa đơn và Viettel cũng không kém, với hàng loạt chương trình. Đó còn chưa nói đến cuộc đua thông tin “mình là số 1, mình đang dẫn đầu” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để “gọi” khách hàng.
Động lực cho doanh nghiệp
Từ ban đầu, chuyển mạng giữ số được nhìn nhận sẽ mang nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, DN viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Thuê bao di động sẽ tự quyền lựa chọn DN cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình, trong khi vẫn giữ được số điện thoại đang sử dụng.
Đối với DN viễn thông, đây là động lực cho DN di động tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là các khách hàng đã lâu năm gắn bó, và xem đây là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.
Mục đích chuyển mạng giữ số hợp lý hợp tình, việc thực hiện nhu cầu của người dùng thuộc trách nhiệm các nhà mạng, thể hiện qua tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng. Số liệu từ Cục Viễn thông cho hay: Viettel duy trì được tỷ lệ chuyển đi cao nhất từ thời gian đầu chuyển mạng đến nay, trong 4 tháng gần đây Viettel chuyển mạng thành công trên 80%; VinaPhone hiện đang giảm từ 78,21% (tháng 2) xuống còn gần 63% (tháng 3 và 4); MobiFone đã tăng dần tỷ lệ xấp xỉ 24% (tháng 1) lên gần 70% (tháng 4); Vietnamobile hiện đang là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng đi thành công thấp nhất, tính đến hết tháng 4 đạt gần 48%.
Chuyển mạng giữ số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà mạng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, nên tình trạng các nhà mạng cứ tranh nhau “mình là số 1, mình nhiều nhất” là đi ngược xu thế, tạo hiệu ứng không tốt với người dùng, nhất là người sử dụng mạng lâu năm, trung thành. Cách tốt nhất là chăm sóc thật tốt với khách hàng của mình, sau đó mới là hình thức khuyến mãi, chiêu dụ người dùng mới; tránh một cuộc đua thiếu lành mạnh, không vì chất lượng dịch vụ.
Đã có chuyện không ít người bức xúc khi muốn thực hiện việc chuyển mạng đổi số mà không được, bị chậm trễ. Khách hàng của các nhà mạng không được đáp ứng nhu cầu chuyển mạng đổi số do lỗi hệ thống kỹ thuật; chăm sóc khách hàng không tốt: không cung cấp đầy đủ thông tin cho thuê bao đăng ký chuyển mạng; nhà mạng xử lý chậm trễ, gây khó dễ cho thuê bao chuyển đi... Do vậy, Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu các nhà mạng có tỷ lệ thành công thấp trong chuyển mạng giữ số phải tiếp tục cải thiện tỷ lệ chuyển đi thành công, đạt được mục tiêu trên 70%. |