Đón đầu mùa kinh doanh bánh Trung thu 2017, các nhà sản xuất đã công bố tăng sản lượng bình quân khoảng 10% và giá bán cũng tăng từ 3% - 5% so với cùng kỳ năm 2016. Điều đáng lưu ý, thị trường đã và đang có cuộc cạnh tranh quyết liệt, thông qua việc không ngừng đầu tư để hoàn thiện chất lượng, đảm bảo an toàn và hương vị của từng chiếc bánh.
Đa dạng hương vị, màu sắc
Theo thông tin từ Công ty Bibica, năm nay Bibica dự kiến đưa ra thị trường trên 600 tấn sản phẩm với khoảng 60 chủng loại bánh khác nhau, tăng 10% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Do một số nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng, nên giá bánh Trung thu của Bibica năm nay tăng 3% so với năm 2016. Giá bình quân 37.000 - 150.000 đồng/cái, dòng bánh cao cấp 250.000 - 2.200.000 đồng/hộp. Bibica hiện đã đưa sản phẩm ra thị trường tại hơn 300 gian hàng và 12.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Với mục đích tạo nên những chiếc bánh Trung thu thật đặc sắc, bắt mắt phục vụ nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người tiêu dùng, bên cạnh những dòng bánh hương vị truyền thống, Bibica đã sản xuất thêm một số dòng bánh mới như bánh Trung thu Nhật Bản (Mochi), bánh Trung thu trái cây nhiệt đới hay bánh làm từ những nguyên liệu tốt cho sức khỏe như đông trùng hạ thảo, sâm ngọc linh, tổ yến…
Bên cạnh đó, Bibica cũng tập trung đầu tư vào màu sắc của từng loại bánh được làm từ quả gấc, trà xanh, chocolate… cung cấp thêm nguồn vitamin có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, Bibica cũng giảm ngọt, giảm béo, dùng nguyên liệu tự nhiên như hạt sen, hạnh nhân, hạt dưa, hạt mè thay thế các loại mứt. Dùng các nguyên liệu cao cấp như vi cá, bào ngư, trứng cá hồi Cavitar, tôm hùm nhằm tạo thêm giá trị cho từng mẫu bánh Trung thu…
Người tiêu dùng mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Công ty Mondelez Kinh Đô không những tập trung vào các loại bánh truyền thống mà còn tung ra thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc loại bánh Trung thu Oreo (nhãn hiệu lớn nhất của tập đoàn Mondelēz International ra đời từ năm 1912). Đây là dòng bánh Trung thu mang phong cách phương Tây, được bổ sung vào danh mục sản phẩm bánh Trung thu truyền thống của Kinh Đô nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Kinh Đô cũng sản xuất một số loại bánh mới như cốm dừa hạt dẻ, cốm dẻo hạt dẻ để tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Thương hiệu bánh Trung thu Thành Long tiếp tục nâng cấp dòng bánh tươi (hay còn gọi “bánh nóng”), được chế biến từ các loại mứt dẻo như mứt dâu, mứt chanh mật ong, mứt cam, mứt kiwi… Thế mạnh của loại bánh này là mềm, thơm ngon nhưng do thời hạn bảo quản chỉ từ 15 - 20 ngày (trong khi bánh truyền thống để được từ 40 -50 ngày) nên doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng. Bánh còn được làm từ các nguyên liệu truyền thống như mứt củ sen, mứt vỏ bưởi, mứt củ năng, cà phê, xoài, trái cây sấy tổng hợp nhằm tạo sự khác biệt cho người sử dụng. Với dòng bánh dinh dưỡng cao cấp cho người ngại chất béo, ngọt, ăn kiêng và tiểu đường, bánh Trung thu chay cũng được thương hiệu này chú trọng và liên tục thay đổi nhân bánh để tạo thêm nhiều hương vị.
Vẫn trên nền chiếc bánh Trung thu truyền thống, gần đây nhiều thương hiệu đã bắt đầu sản xuất bánh Trung thu rau câu, cũng là một biến tấu độc đáo được nhiều người tiêu dùng trẻ thích thú. Những chiếc bánh được làm với lớp nhân vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống của khoai môn, trà xanh... nhưng vỏ ngoài được làm bằng rau câu mềm, mát lạnh thay vì bánh nướng.
Giá tăng từ 3% - 5%
Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường bánh Trung thu năm nay tiếp tục có sự góp mặt của trên 50 thương hiệu, với hàng trăm chủng loại bánh khác nhau, từ cao cấp đến bình dân. Trong đó, chiếm thị phần áp đảo, phải kể đến thương hiệu Kinh Đô, kế đến là Bibica, số còn lại chia cho các nhà sản xuất khác trên cả nước, gồm cả các công ty chuyên sản xuất bánh kẹo công nghiệp, DN sản xuất bánh tươi, cơ sở sản xuất hộ gia đình đến nhà hàng khách sạn, tiệm bánh cà phê như: Thành Long, Hữu Nghị, Đồng Khánh, Hỷ Lâm Môn, Như Lan, Phúc Long, ABC, Đức Phát, Đại Phát, Thu Hương, Tous Les Jours, Fresh Garden, New World, Sofitel, Windsor, Equatorial, Shang Palace, White Palace, REX, Đồng Khánh…
Về giá bán, nhìn chung giá bánh Trung thu năm nay tiếp tục tăng khoảng 3% - 5% so với năm trước. Theo các DN, nếu như năm ngoái giá nguyên liệu đầu vào có sự biến động rất lớn thì năm nay lại tương đối ổn định. Nhưng nguyên nhân khiến giá bánh tăng là do chi phí đầu vào từ giá điện, nước, vận chuyển, nhân công… đều tăng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đầu tư nhiều vào khâu đổi mới mẫu mã bao bì, chủng loại đã làm giá bánh đội lên. Cụ thể, loại bánh trọng lượng 220 - 250gr, 2 trứng, vỏ hộp giấy cứng có giá khoảng 480.000 - 580.00 đồng/hộp, tăng khoảng 30.000 - 50.000 đồng/hộp so với mùa Trung thu năm 2016.
Chủ một DN cho biết, một hộp bánh Trung thu giấy cứng cắt laser có giá trên 500.000 đồng thì vỏ hộp và các bao bì đã chiếm từ 97.000 - 98.000 đồng (khoảng 20%), chiết khấu cho khâu phân phối khoảng 30% - 35% và các chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, thuê mặt bằng... đã khiến giá bánh đội lên khá cao.
Cũng theo chủ DN này, giá bánh tăng do các khoản chi phí tăng hay vì nguyên nhân nào khác thì người tiêu dùng vẫn là người cuối cùng phải trả cho phần tăng thêm này; còn nhà sản xuất vẫn có thể cầm được mức lãi ròng khoảng 20% sau mỗi mùa Trung thu. Điều này có thể lý giải trong nhiều năm gần đây, thị trường bánh Trung thu thường khởi động rất sớm, thậm chí một số nhãn hàng còn sản xuất quanh năm để duy trì lượng khách, cũng như ngày càng có nhiều DN tham gia kinh doanh bánh Trung thu. Nhưng thực tế cũng cho thấy, mùa bánh Trung thu 2016 vừa qua, nhiều thương hiệu đã không đưa ra sản lượng đúng như công bố ban đầu vì sức mua có sự sụt giảm đáng kể. Đây là điều rất đáng suy ngẫm cho các nhà sản xuất nhằm đưa ra thị trường chiếc bánh phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng.