Đoàn Thị Điểm được xem là một trong những nhà thơ nữ hàng đầu của dân tộc với rất nhiều giai thoại về cuộc đời, có cả những câu chuyện đơm đặt, vậy nên, việc viết về Đoàn Thị Điểm là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với Nữ sĩ thời gió bụi, có thể nói nhà văn Lê Phương Liên đã thành công khi tái hiện cho độc giả thấy được một nhân vật Đoàn Thị Điểm phóng khoáng và chân thật, duyên dáng và thông tuệ, vừa trí thức vừa dân dã.
Câu chuyện được bắt đầu vào năm Đoàn Thị Điểm vừa tròn 16 tuổi. Năm đó, bà được quan Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi. Sống trong thời đại trọng nam khinh nữ, chữ nghĩa vẫn là câu chuyện xa vời với nữ nhân nhưng Đoàn Thị Điểm lúc bấy giờ không những văn hay mà còn giỏi võ. Bởi bà được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, cha là Đoàn Doãn Nghi đậu kỳ thi Hương, làm quan tới chức Điển bạ. Còn anh trai là Đoàn Doãn Luân, đoạt Giải nguyên trường thi Kinh Bắc. Là người hiểu biết, nên về sau, khi hay tin quan thượng thư muốn dâng bà vào làm cung tần trong Phủ Chúa, Đoàn Thị Điểm từ chối để trở về quê, sống một cuộc sống thanh bần bên gia đình.
Mặc dù vậy, trong thời gian ở nhà quan thượng thư, Đoàn Thị Điểm đã tự làm giàu thêm vốn kiến thức cho mình từ thư phòng của quan Thượng thư Lê Anh Tuấn. Bà đọc và suy ngẫm từ các bản kinh điển, truyện truyền kỳ, sách địa dư, sách sử ký đến giai thoại về các danh gia, nhất là thư tịch của các bậc anh tài nước Việt thời Lý, Trần, thời Lê sơ… Và cũng chính ở đây đã đưa đến cho bà cuộc gặp gỡ như là mối duyên tiền định với tiến sĩ Nguyễn Kiều, mà phải hơn 20 năm sau đó, hai người mới nên duyên vợ chồng.
Bằng những sử liệu có sẵn, cộng thêm trí tưởng tượng phong phú của một người viết văn lâu năm, nhà văn Lê Phương Liên đã khắc họa nên chân dung của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đầy chân thực và tinh tế. Sống vào giai đoạn “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” với triều đại Lê - Trịnh suy tàn, nội chiến liên miên, nhân dân đói khổ…, cuộc đời Đoàn Thị Điểm cũng theo đó mà đầy biến động và thăng trầm. Nhưng dầu sao, dù lắm bi thương thì đó vẫn là một cuộc đời huy hoàng, mà không phải ai, nhất là phận nữ nhi, có thể làm được.