Ngày 20-5, tại Đường sách TPHCM diễn ra chương trình giao lưu ra mắt sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ.
Bà Đỗ Duy Liên thuộc thế hệ những người tham gia hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trực tiếp hoạt động tại nội thành Sài Gòn và sau đó là những người đầu tiên tham gia công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đô thị Sài Gòn - TPHCM với vai trò Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bà cũng là nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của thành phố sau ngày giải phóng.
Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ, khi đó chính các con bà cũng chưa biết. Về sau, các con của bà tìm thấy các tập bản thảo khi dọn phòng, từ đó mới hoàn thành nốt những phần còn lại dựa vào lời kể của bà Duy Liên lúc còn tỉnh táo (hiện trí nhớ của bà đã suy giảm do tuổi già), cộng thêm những cảm nhận riêng, và những bài bà viết đăng trên sách báo, tạp chí, kỷ yếu liên quan.
Viết cho các con của mình nhưng hồi ức "Cuộc đời của mẹ" của bà Đỗ Duy Liên lại ẩn chứa những trang sử hào hùng của dân tộc, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về những hy sinh của thế hệ đi trước |
Đặc biệt, không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, bà Đỗ Duy Liên còn là người giàu lòng nhân ái. Bà đã dành hơn 20 năm hoạt động thiện nguyện cho người nghèo và những đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội. Tiếp nối tấm lòng nhân ái của bà, toàn bộ số tiền nhuận bút từ ấn phẩm Cuộc đời của mẹ sẽ được gia đình trao cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, một trong hai hội từ thiện mà bà Duy Liên đã tham gia và gắn bó sau khi nghỉ hưu.
Ông Lê Thái Hỷ, con trai của bà Đỗ Duy Liên thay mặt gia đình trao tặng toàn bộ nhuận bút cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM |
Ngoài gia đình, để cuốn sách Cuộc đời của mẹ được ra mắt, còn có sự trợ giúp của nhiều người, trong đó có TS Quách Thu Nguyệt. Tại chương trình, TS Quách Thu Nguyệt nhớ lại, vào cuối năm 2022, bà được ông Lê Thái Hỷ bày tỏ nguyện vọng muốn có một cuốn sách của mẹ. “Phải nói là tôi rất may mắn, sau gia đình được là người đầu tiên tiếp cận và đọc hồi ức của cô Duy Liên. Khi đọc, tim tôi cứ rưng rưng vì xúc động nhưng tôi lại rất lo lắng bởi vì đây là hồi ức dở dang của cô Duy Liên”, TS Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Cũng theo TS Quách Thu Nguyệt, dù là bản thảo dở dang nhưng bà Đỗ Duy Liên đã có chủ đích kết cấu cuốn hồi ức của mình tương đối hoàn chỉnh với 5 phần. Tuy nhiên, thời điểm đó, bản thảo mới chỉ có 2 phần là phần đầu: tuổi thơ và trưởng thành, cùng phần hai là giai đoạn đi kháng chiến. TS Quách Thu Nguyệt nhớ lại: “Tiếp nhận bản thảo, tôi lo lắng không biết làm sao để bản thảo này có thể in thành sách. Sau đó, anh Hỷ lại tìm thấy được sổ nhật ký của cô Tư, gồm những bức thư viết hàng ngày cho chồng. Thực sự, khi được nhận và đọc những bức thư này, tôi đã bật khóc. Đây là cuốn sách lấy nước mắt của tôi nhiều nhất”.
Các khách mời tại chương trình. Từ phải qua: TS Quách Thu Nguyệt, bà Nguyễn Thế Thanh, ông Lê Thái Hỷ và MC Xuân Huy |
Sau quá trình thảo luận giữa các bên, cuốn sách có kết cấu như hiện tại. “Sau khi cuốn sách hoàn thành, những người tổ chức chúng tôi thực sự rất hạnh phúc. Bởi vì, tôi nghĩ rằng, bất kỳ người đọc nào khi đọc cuốn sách này cũng vậy, sẽ cảm thấy rưng rưng trước hình ảnh của một người phụ nữ trong chiến tranh, nó gian khổ đến nhường nào, hy sinh đến nhường nào”, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ.
Ông Lê Thái Hỷ, con trai đầu của bà Duy Liên cho biết, cuốn sách được hoàn thành và ra mắt trong vòng một năm, nhờ sự đóng góp và hỗ trợ của rất nhiều người. Ông chia sẻ: “Tôi làm sách về mẹ để mẹ có thể nói về những gì đã viết và chưa nói ra từ một người cán bộ, người vợ, người mẹ. Tôi làm sách về mẹ để có cơ hội được lắng nghe mẹ và lắng nghe chính mình, để thương yêu mẹ nhiều hơn. Tôi làm sách về mẹ để được tiếp tục chăm sóc mẹ, để có thể nghe tiếng mẹ cất lên từ sự im lặng thật giản dị và đáng tự hào…”
Người con trai thứ ba của bà Đỗ Duy Liên - ông Lê Duy Hiệp (áo trắng) chia sẻ những kỷ niệm về mẹ tại chương trình |
Là người dẫn dắt chương trình giao lưu, cũng là một trong những độc giả trẻ, MC Xuân Huy cho biết, khi cầm cuốn sách Cuộc đời của mẹ trên tay, chị có đôi chút ngại ngần bởi vì bà Đỗ Duy Liên là một nhân vật có tầm vóc lớn, và cuốn sách lại khá dày. “Nhưng khi đọc xong, ngoài sự xúc động thì trong tôi cũng tràn đầy sự biết ơn. Biết ơn cuốn sách này đã thành hình để cho mình, một trong những người trẻ thuộc thế hệ hậu bối được biết, được hiểu để càng trân quý hơn thế hệ đi trước với rất nhiều gian lao, rất nhiều hy sinh”, MC Xuân Huy bày tỏ.
Ngoài ra, theo MC Xuân Huy, điều đẹp nhất, lấp lánh nhất và thực sự chạm đến trái tim của độc giả ở cuốn sách chính là chữ tình: Tình yêu, tình người, tình đồng đội. Và chữ tình đó làm nên sức nặng của cuốn sách.