Thành danh trước khi vào trường mỹ thuật
Trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ 20, những cái tên Thang Trần Phềnh, Lê Huy Miến (1873 - 1943) và Nguyễn Nam Sơn (1890 - 1973) đã là niềm cảm hứng lớn lao cho giới hội họa thời bấy giờ. Nhưng khác với 2 người còn lại, Thang Trần Phềnh ít được biết đến hơn. Từ đầu thế kỷ 20, tại Hà Nội đã có rất nhiều cuộc đấu xảo nội địa và quốc tế về văn hóa nghệ thuật được tổ chức. Năm 1911, khi mới 16 tuổi, Thang Trần Phềnh đã gửi bức tranh “Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn” (màu nước) tham gia đấu xảo và bán. Gần 10 năm sau đó, tranh của ông liên tục được đấu xảo và bán ra cả nước ngoài, ông trở nên nổi tiếng. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi viết: “Điều đáng kể, vào năm 1923, từ ngày 25-11 đến ngày 10-12, một cuộc đấu xảo do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức tại trụ sở gần hồ Hoàn Kiếm, đã triển lãm những bức tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt Nam, trong đó có những tác phẩm của Thang Trần Phềnh”.
Thực tế, trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, tên tuổi Thang Trần Phềnh đã xuất hiện nhưng ánh sao ấy bừng lên rồi nhanh chóng nhạt mờ theo lớp bụi thời gian. Người ta không còn nhớ đến ông. Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập là một dấu ấn, một biến chuyển văn hóa quan trọng trong lịch sử nước Việt, có ảnh hưởng đến tư duy cũng như thẩm mỹ của người Việt Nam. Trong số 266 thí sinh từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom Penh và Vientiane đăng ký dự thi khóa 1 vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, việc họa sĩ nổi danh Thang Trần Phềnh thi trượt khóa 1 là sự kiện chấn động trong giới yêu thích mỹ thuật lúc bấy giờ. May mắn thay, lòng yêu thích hội họa mãnh liệt trong con tim nghệ sĩ của Thang Trần Phềnh đã cho ông sự quyết tâm theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình. Và ông đã thành công trong cuộc tuyển sinh khắt khe để bước chân vào khóa 2 của trường.
Sinh ngày 18-5-1895 tại Hà Nội, cha ông là người Việt gốc Hoa, tên Thang Thọ Ký (hiệu Nhân Sơn), mẹ là người Việt, tên Lê Thị An. Ngay từ thuở bé, Thang Trần Phềnh đã có năng khiếu về vẽ. Khi học Trường Bưởi (Lycée du Protectorat), ông luôn đứng nhất môn hội họa. Không có thầy dạy, ông tự mày mò, nhìn thấy vật gì, hoặc người, hoặc cảnh đẹp, đều vẽ lại. Gia cảnh khó khăn, có ý thức tự lập rất sớm, Thang Trần Phềnh đã nảy ra ý định vẽ tranh bày bán trong hiệu buôn của cha mình. Những sáng tác mỹ thuật của ông từ rất sớm đã viễn du nơi xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà... Cuộc đời của ông là một thế giới bí hiểm đầy khám phá thú vị, khám phá nó giúp bạn đọc có cái nhìn chung về thời kỳ đầu của nền hội họa Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Những tư liệu chưa công bố
Theo tác giả Ngô Kim Khôi, cuốn sách này là tài liệu soi rọi chi tiết cuộc đời và sự nghiệp vốn dĩ đầy bí ẩn của họa sĩ Thang Trần Phềnh. Cuốn sách tập hợp các thông tin được kiểm chứng ngọn ngành, có đối chiếu và xác thực của tư liệu qua hơn 10 năm tìm kiếm của tác giả trong các thư viện chuyên môn tại thủ đô Paris và các tư liệu đến từ gia đình họa sĩ, chưa bao giờ công bố; có giá trị nghiên cứu về lịch sử, sự nghiệp, bút pháp và chữ ký của họa sĩ Thang Trần Phềnh qua các thời kỳ. Điều đáng chú ý, không riêng gì những tác phẩm của Thang Trần Phềnh, độc giả còn có thể tra cứu những sinh hoạt nghệ thuật liên quan đến Trường Mỹ thuật Đông Dương. “Cuốn sách sẽ dẫn đưa bạn đọc theo từng bước chân viễn du của hơn 30 tác phẩm mà chúng tôi may mắn tìm ra được qua những tài liệu hiếm hoi. Và biết đâu, qua cuốn sách này, bạn chợt nhận ra rằng trong bộ sưu tập của bạn đang có tranh của họa sĩ Thang Trần Phềnh?”, Ngô Kim Khôi viết.
Thang Trần Phềnh thuộc 11 thí sinh trúng tuyển (tổng số 88 thí sinh dự tuyển) vào khóa 2 của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông học cùng khóa với Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Lái, Lê Tiến Phúc, Đặng Trần Cốc, Nguyễn Hữu Đẩu, Nguyễn Văn Hồng, Đỗ Đức Thuận… Năm 1931, ông tốt nghiệp nhưng lại nghiêng nhiều về trang trí sân khấu tuồng cổ, ít hoạt động về mỹ thuật. Nhìn chung, khóa này chỉ có Vũ Cao Đàm và Tô Ngọc Vân thật sự thành danh. “Trần Phềnh lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ khoảng 10 tuổi để dạy hát dạy múa và đi hát ở Hà Nội, có khi đi các tỉnh quanh trong xứ Bắc kỳ thời thuộc Pháp. Ông vừa vẽ phông cảnh, vừa dạy các nghệ sĩ bé nhỏ hát các giọng Hồ Quảng, tích hát cải lương”, tác giả Ngô Kim Khôi dẫn theo tài liệu gia đình. Sau đó, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, tản cư về Nhã Nam - Yên Thế (Bắc Giang), làm việc tại Sở Thông tin - Tuyên truyền Liên khu 10. Năm 1954, ông đưa gia đình trở về Hà Nội, cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) cho đến năm 1963. Thời gian này, ông chuyên vẽ nghệ thuật sân khấu và vẽ phông rạp hát.
Thang Trần Phềnh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu, từ giấy, lụa, vải bố cho đến bút sắt, mực tàu, thuốc nước, bột màu, phấn tiên, sơn dầu… Tác phẩm hội họa của ông có thể nhiều hơn 100 bức, nhưng ngoài những bức thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bộ sưu tập tư nhân, gia đình không còn giữ lại bao nhiêu.