Đây được đánh giá là cuộc đàm phán quan trọng bởi như tuyên bố của Nhà Trắng, mục đích của cuộc đàm phán thương mại này là để “thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc” - yếu tố mà Washington cho rằng ảnh hưởng đến thương mại song phương.
Thảo luận nhiều vấn đề
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, dự kiến ngày 31-1 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp ông Lưu Hạc. Trước đó, ông Mnuchin sẽ cùng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tham dự cuộc đàm phán thương mại với đoàn Trung Quốc, gồm 30 quan chức các bộ ngành do ông Lưu Hạc dẫn đầu. Phát biểu trước báo giới, ông Mnuchin bày tỏ mong muốn đạt được tiến bộ đáng kể tại cuộc đàm phán này để giải quyết cuộc chiến về thuế trước ngày 1-3 tới, thời điểm đợt đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày kết thúc.
Ngoài việc đạt được sự “thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc” như Mỹ mong muốn, trong cuộc đàm phán, 2 bên sẽ thảo luận về cam kết trước đó của Bắc Kinh liên quan đến việc mua một khối lượng đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế số 2 thế giới. Lâu nay, Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường và giảm các hàng rào phi thuế quan khác đối với sản phẩm của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các khiếu nại về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bác bỏ cáo buộc các công ty nước ngoài phải đối mặt với việc chuyển giao công nghệ cho nước này.
Lạc quan
Trả lời phỏng vấn của kênh CNN, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett lạc quan cho rằng, có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước ngày 1-3. Theo ông Hassett, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng Mỹ đang ở trong “thế thuận” và phía Trung Quốc đã hiểu rằng họ có rất nhiều lợi ích khi thỏa thuận với Mỹ vì tăng trưởng kinh tế của họ đang tuột dốc.
Nhà báo Pháp Renaud Girard nhận định, ông Lưu Hạc không đến Washington để thương lượng với 2 bàn tay trắng. Đi theo ông Lưu Hạc là một kế hoạch nhập khẩu hàng ồ ạt của Mỹ, có thể giúp tái cân bằng cán cân thương mại giữa 2 siêu cường vào năm 2024. Kế hoạch này sẽ làm hài lòng Mỹ và Washington sẽ không chỉ trích Bắc Kinh làm lệch cán cân thương mại.
Nhưng Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc ở một điểm khác. Washington cáo buộc Bắc Kinh chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ qua các hoạt động tình báo, cưỡng ép chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc được tiếp cận thị trường Trung Quốc… Ông Lưu Hạc sẽ phải phủ nhận toàn bộ để rồi sau đó chấp nhận nhượng bộ và ký một thỏa hiệp với Mỹ. “Cuộc chiến này rồi cũng phải tạm ngưng. Cả 2 lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ hiểu rằng họ sẽ được lợi nhiều khi bắt tay nhau hơn là để cho cuộc tranh chấp thương mại này vượt qua ngày 1-3 tới”, ông Renaud Girard nói.
Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế mới cao hơn của 2 nước đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Nếu giới chức 2 nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.
Trong một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ đã chính thức cáo buộc Huawei và bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn này, cùng 2 công ty con của Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Trong một cáo buộc riêng rẽ khác, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định, Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và cản trở công lý khi đánh cắp công nghệ robot từ nhà khai thác mạng T-Mobile ở Mỹ. Trung Quốc phản đối tất cả cáo buộc trên của Mỹ. |