Đĩa than, băng cối trở lại
Chỉ trong thời gian ngắn, không ít gương mặt ca sĩ, nhạc sĩ thành danh quay lại “chơi lớn”, xuất xưởng các album phòng thu với định dạng vật lý cao cấp như băng cối, đĩa than...
Ba nhạc sĩ Quốc Bảo, Bảo Chấn, Văn Tuấn Anh cùng trở lại, giới thiệu album đĩa than Điều kỳ diệu của số 3 vào giữa tháng 4 vừa qua. Trong sự sôi động những bài hát thời trang, album các ca khúc thập niên 1990 thế kỷ trước được hòa âm ở năm 2021 đem lại cho người thưởng thức cảm nhận sâu lắng về tình yêu, những được - mất của cuộc đời. Đó cũng là một trong lý do album phát hành định dạng đĩa than vinyl - loại hình thưởng thức âm nhạc cần một thái độ “sống chậm” khi nghe. Kỷ niệm 30 năm sáng tác âm nhạc, 1.000 đĩa than ca khúc Quốc Bảo - sản phẩm đặc biệt phiên bản giới hạn số lượng sẽ phát hành đến người yêu nhạc trong tháng 5. Đĩa than được sản xuất bằng công nghệ của Nhật Bản.
Ca sĩ Quang Dũng ra mắt đĩa than Thương một người đầu tháng 4, đúng dịp tưởng niệm 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là đĩa than anh cùng Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Thanh Phương thực hiện. Những Mưa hồng, Rồi như đá ngây ngô, Như cánh vạc bay, Tôi ru em ngủ… sâu lắng, mang giai điệu màu sắc blues/jazz. Trước đó, nhạc sĩ Đức Trí ra 3.000 đĩa than Lối cũ ta về, mời Bằng Kiều, Lê Hiếu, Thùy Chi... tái hiện loạt hit thập niên 1990-2000 theo phong cách acoustic. Đặc biệt nhất, mở màn chuỗi hoạt động âm nhạc 2021, Phương Thanh giới thiệu album Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90 với 3 định dạng: băng cối, đĩa than, CD. Băng cối là định dạng cực kỳ đắt đỏ, với khoảng 7 triệu đồng/băng, nhưng nữ ca sĩ cực kỳ “chịu chơi” khi quyết định thực hiện.
Có thể nói, thị trường đĩa than, băng cối hiện nay sôi động hơn trước rất nhiều. Phát hành mạo hiểm nhưng nhiều nghệ sĩ sẵn sàng bỏ nhiều năm thực hiện. Như Quang Dũng thực hiện Thương một người mất 5 năm, Đức Trí đầu tư 3 năm làm Lối cũ ta về… Đặc điểm chi phí sản xuất đắt đỏ, kén người nghe khiến “cuộc chơi” đĩa than, băng cối thường dừng lại con số 1.000, 2.000 đĩa ở mỗi dự án. Dẫu chưa tạo nên cơn sốt nơi khán giả đại trà, nhưng các album được người mộ điệu săn lùng cùng nhiều lời khen có cánh.
Cuộc chơi Hi-end đẳng cấp
Tại buổi giới thiệu album Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90 (một album Acoustic Rock đầu tiên ở Việt Nam có chất lượng âm thanh Hi-end đạt chuẩn quốc tế), lần đầu giới truyền thông chứng kiến một buổi thu âm trọn vẹn của ca sĩ. Ca sĩ Phương Thanh gần như cháy hết mình với Trống vắng hay Giã từ dĩ vãng. Riêng ca khúc Tiếng rao, cô khiến người nghe trong phòng thu cảm giác như đang ở giữa một ngã tư đường với đủ thanh âm rộn rã, xôn xao của phố phường.
Thanh âm thật, giọng ca của nghệ sĩ vang lên trọn vẹn, không biến dạng và giữ được hồn cốt giọng hát thương hiệu chính là điều đặc biệt mà album chất lượng Hi-end mang lại. Đi vào phân khúc khó tính của “dân chơi” Hi-end, anh Sunny Lầu Nhật Duy, Giám đốc Class A Recording Studio, nơi có hệ thống thu âm Hi-end bằng băng cối duy nhất tại Việt Nam, cho biết, việc đầu tư vào hệ thống dây dẫn Ultra Hi-end rất đắt. Dây dẫn làm từ những hợp chất kim loại quý hiếm góp phần tạo nên chất âm rất Hi-end, cho người nghe cảm nhận nét tinh tế và cảm xúc chân thật của nghệ sĩ khi thu âm. Là người chơi audio hơn 20 năm, anh cho biết thêm, phải mất 7 năm nghiên cứu, phát triển các công nghệ và kỹ thuật thu âm cho Hi-end cũng như đầu tư thiết bị quý hiếm, đỉnh cao trên thế giới để xây dựng phòng thu gần 10 triệu USD của mình.
Giữa thị trường âm nhạc hiện nay, đầu tư nhạc Hi-end làm nhiều người ái ngại nghĩ đến bài toán kinh tế. Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Music: “Muốn vào phân khúc này đòi hỏi đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, thiết bị phòng thu. Hiện tại, Việt Nam đã có kỹ thuật analog và công nghệ “tế bào quang điện” để chuyển đổi âm thanh thành ánh sáng trước khi đưa vào máy tính xử lý. Công nghệ này ngay cả trên thế giới cũng còn hiếm. Chỉ có công nghệ này mới đủ sức nâng hiệu ứng các nhạc cụ lên tầm Hi-end. Đã làm album Hi-end là không đặt nặng bài toán kinh tế, chỉ đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu. Trong từng bản nhạc cần phải đầu tư nghệ thuật cao cấp nhất”.
Ông Nguyễn Viết Văn, Chủ tịch Hội Audio Phú Yên, một khán giả lớn tuổi và là một dân chơi Hi-end chính hiệu, cho biết: “Chơi nhạc Hi-end mất tiền, mất thời gian vì các thiết bị Hi-end chưa bao giờ rẻ. Thế nhưng, thú chơi này đầy cảm xúc. Với thiết bị cao cấp tại phòng thu thì tiếng hát ca sĩ giữ được sự tinh túy, mộc mạc, gần gũi. Chúng tôi luôn đón nhận, tìm nghe dù ở định dạng đĩa than hay băng cối”. |