Thượng vàng, hạ cám
Có thể nói, việc trái cây ngoại ngày càng được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam đã trở thành xu thế khi mà kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, xuất hiện nhu cầu thưởng thức các loại trái cây ngoại như táo, lê, dâu… từ các nước ôn đới, kể cả trái cây nhiệt đới của một bộ phận không nhỏ người dân.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (Vina T&T group), nhận định trái cây ngoại nhập khẩu ngày càng nhiều vừa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng vừa như sự chọn lựa được nhiều người cho là an toàn hơn. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), trái cây ngoại sẽ còn tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn khi các hiệp định thương mại FTA đi vào thực thi giữa Việt Nam với các nước châu Âu như EVFTA hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trái cây từ các nước Âu, Mỹ chủ yếu nhập chính ngạch nên có đầy đủ giấy tờ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc nhưng có thành giá cao, như kiwi vàng (New Zealand) 190.000 đồng/kg, táo Envy (New Zealand) 235.000 đồng/kg… Có những trái vốn là loại bình dân, thậm chí mọc dại ở nước ngoài nhưng được thị trường trong nước yêu thích và bán giá cao, điển hình là cherry. Cây cherry thuộc loại thân gỗ, tạo bóng mát, có chiều cao trung bình 3 - 7m, trái được người tiêu dùng Việt Nam tìm mua nhờ vị ngon và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Cherry được bán tại các cửa hàng hoa quả ở Hà Nội, TPHCM với giá dao động từ 350.000 - 1.000.000 đồng/kg (tùy thời điểm).
Có một lượng lớn trái cây trong nước đang trồng như sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, măng cụt… cũng được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc… Người tiêu dùng nhìn trái cây trong nước không có gì đặc sắc, lại bất an về tính an toàn nên chuộng trái cây ngoại cùng loại và điều này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt với trái cây Trung Quốc. Trái cây từ quốc gia này nếu nhập khẩu chính ngạch thì còn an tâm về chất lượng, nhưng số lượng được nhập như vậy rất ít, mà chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, không thể kiểm soát được chất lượng.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), rau quả Trung Quốc nhập theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam “sống” được nhờ núp bóng trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand. Nhiều loại rau quả Trung Quốc còn đội lốt sản phẩm trong nước cùng loại như xoài, cam, quýt, hồng, cà rốt... và được bán với giá rẻ hơn để hút khách. Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), đến hết tháng 11-2018, có trên 631.000 tấn trái cây ngoại nhập vào chợ. Lượng trái cây nhập từ Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản có xu hướng tăng và trái cây nhập từ Trung Quốc ngày càng giảm, nhưng hàng Trung Quốc vẫn chiếm khoảng 10% tổng lượng rau quả giao dịch, nhiều nhất là táo, nho, lê, quýt, cam, quýt, lựu, hồng, tỏi, hành...
Đại diện chợ đầu mối này cho hay, trái cây Trung Quốc nhập tiểu ngạch không đạt chuẩn về an toàn nên không còn được người tiêu dùng lựa chọn nhiều. Chúng thường được tiểu thương mua về bán tại các chợ lẻ, chợ tự phát, vỉa hè... “trộn chung” với hàng trong nước.
Cạnh tranh với trái cây ngoại
Một điều cần nói rõ, giá trị nhập khẩu rau quả, đặc biệt là trái cây ngoại tăng mạnh những năm qua còn có lý do khác. Đó là có hiện tượng tạm nhập khẩu vào Việt Nam và sau đó tái xuất sang Trung Quốc. Việc này xuất hiện khoảng năm 2014 trở lại đây. Năm 2017, gần 0,9 tỷ USD rau quả xuất khẩu có xuất xứ từ Thái Lan được các doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó tái xuất qua Trung Quốc, chiếm gần 1/4 tổng trị giá xuất khẩu rau quả, gồm nhãn, sầu riêng, măng cụt…
Riêng 5 tháng đầu năm 2018, lượng rau quả Thái Lan chiếm 15% trong 1,6 tỷ USD rau quả xuất khẩu từ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), măng cụt Việt Nam vừa ngon, trái to nhưng dễ bị xì mủ ở vỏ, chất lượng không đều. Với sầu riêng, giống bản địa của ta ngon hơn hẳn nhưng lại thua về công nghệ giống. Thái Lan tạo được giống sầu riêng mùi dịu nhẹ để xuất khẩu sang châu Âu…
Trái cây Việt hiện xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng cũng giống như nhiều ngành hàng khác, các doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường nước ngoài, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng của nhà nhập khẩu và ít chú trọng thị trường trong nước.
Có thể nói, đi đầu trong việc khai phá sân nhà là Vina T&T Group. Giữa năm 2018 đơn vị này đã khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại “đại bản doanh” ở quận Phú Nhuận, TPHCM và đang phối hợp mở thêm nhiều cửa hàng khác.
Lý giải về quyết định của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, điều bất hợp lý là trong khi trái cây chất lượng cao của Việt Nam dành để xuất khẩu, thì người tiêu dùng trong nước lại phải trả giá cao để mua các loại trái cây nhập ngoại cùng loại. Không có lý do gì người tiêu dùng trong nước không được thưởng thức những loại trái cây ngon, chất lượng cao được trồng trong nước theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Thế nhưng, mặc dù đã xuất hiện cửa hàng bán lẻ trái cây trong nước nhưng sự việc này vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn, thậm chí gần như không có “cửa” khi so với các cửa hàng bán lẻ trái cây nhập ngoại đã hình thành các chuỗi ở nhiều thành phố lớn. Chính vì vậy, Vina T&T Group đã lên ý tưởng xây dựng hệ thống cửa hàng cung cấp trái cây đạt chuẩn xuất khẩu cho thị trường trong nước.
Để cạnh tranh với trái cây ngoại nhập, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định, doanh nghiệp trong nước có một số lợi thế. Đó là vùng nguyên liệu, nhà máy, quản lý… sẵn có ở ngay địa phương. Nhiều sản phẩm sạch đạt chất lượng, nhờ thực hiện theo chuỗi liên kết, giảm khâu trung gian nên không ngại giá thành. Vina T&T Group hiện sở hữu vùng trồng trái cây rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long với 3 nhà máy chế biến trái cây tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Tại đây, có rất nhiều loại trái cây đủ chuẩn xuất khẩu như chôm chôm, vú sữa, xoài, sầu riêng, dừa…
“Hàng xuất khẩu đi Mỹ, Australia thế nào, sản phẩm cung cấp thị trường trong nước sẽ như vậy, không có sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá cả cạnh tranh để nhiều người có thể mua. Vina T&T Group sẽ áp dụng nhiều hình thức kinh doanh, hợp tác mở hệ thống cửa hàng, buôn bán online, kể cả việc nhượng quyền trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Đây là yếu tố cơ bản, điều kiện cần để trái cây nội địa từng bước khôi phục lại niềm tin với người tiêu dùng và có được vị trí xứng đáng trên thị trường. “Cuộc chiến” mới bắt đầu, đòi hỏi sự quyết tâm và hợp lực từ doanh nghiệp đến cả ngành nông nghiệp khi Vina T&T Group là cánh én đầu tiên.