Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Công nghiệp Malaysia, bà Teresa Kok, đang có chuyến công du châu Âu trước khi Đạo luật dầu cọ mới 2019 chính thức có hiệu lực vào ngày 13-5 tới.
Đạo luật dầu cọ mới 2019 được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua ngày 13-3-2019. Nếu sau 2 tháng Nghị viện và các nước thành viên không phản đối, đạo luật sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 13-5 tới. Malaysia là nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai trên thế giới, sau Indonesia, và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì kế hoạch loại bỏ sử dụng nhiên liệu sinh học của EU vào năm 2030, mà Đạo luật dầu cọ mới 2019 là một trong những nỗ lực hỗ trợ của kế hoạch. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, việc khai thác dầu cọ dẫn đến nạn phá rừng nghiêm trọng, gây mất cân bằng sinh học, đe dọa cuộc sống của các loài, đặc biệt là đười ươi, và họ dự kiến sẽ ngừng sử dụng nhiên liệu này trong vận tải vào năm 2030. Ngoài ra, EU cũng nhấn mạnh việc sản xuất nguyên liệu trên tạo ra khí phát thải nhà kính, gây biến đổi khí hậu. Điều này hoàn toàn đi ngược với mục tiêu sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững mà EU, vốn là nhà nhập khẩu dầu cọ đứng thứ hai trên thế giới, đang thực thi.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Bộ trưởng Teresa Kok, Malaysia coi đây là một cuộc chiến tranh thương mại của EU chống lại Malaysia, Indonesia và các nước sản xuất dầu cọ. Malaysia sẽ xem xét một cách rõ ràng các loại mặt hàng thương mại mà nước này nhập khẩu từ châu Âu và sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp từ các quốc gia khác. Bà Teresa Kok cho biết sẽ tham khảo ý kiến của Indonesia trước khi quyết định hành động tại WTO. Trước đó, Indonesia tuyên bố cũng sẽ đưa vụ việc này ra WTO ngay khi Đạo luật dầu cọ chính thức có hiệu lực. Theo Indonesia, “chính sách dầu cọ của EU có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ ngoại giao vốn tốt đẹp giữa EU và Indonesia”.
Trước đó, ngày 24-3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cáo buộc, việc EU muốn loại bỏ dầu cọ là nỗ lực của châu Âu, là chính sách không công bằng vì EU muốn bảo vệ mặt hàng thay thế mà họ tự sản xuất như dầu hạt cải. Ông Mahathir Mohamad tố cáo châu Âu tạo nên “hành lang bảo vệ quyền lợi” cho những nhà sản xuất nhiên liệu sinh học của mình. Hãng tin Bernama dẫn lời Thủ tướng Malaysia cảnh báo, Kuala Lumpur có thể sẽ cân nhắc mua máy bay chiến đấu từ nước khác, từ Trung Quốc hoặc quốc gia khác, thay vì các dòng Eurofighter Typhoon của châu Âu hay Rafale của Pháp. Trong chuyến công du đến Nga cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohammed Sabu đã đặt lên bàn đàm phán vấn đề mua sắm vũ khí quân sự và máy bay từ Nga và thanh toán bằng dầu cọ. Các thỏa thuận xuất khẩu dầu cọ với EU bị đình trệ đã khiến hàng loạt kế hoạch mua sắm vũ khí, trang bị quân sự mới của Malaysia bị đóng băng do thiếu kinh phí.
Theo truyền thông Malaysia, dù thông tin chính thức chưa được công bố, nhưng khả năng những hợp đồng vũ khí mới giữa Malaysia và Nga - hiện là quốc gia nhập khẩu số lượng lớn dầu cọ từ Malaysia - được thanh toán bằng dầu cọ rất có thể được thông qua.