Vẫn bị phân biệt đối xử
Trong 40 năm qua, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2017, khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV. Trong năm 2017, đã có 940.000 người thiệt mạng trên thế giới do các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,8 triệu ca nhiễm mới. Trong khi đó, 59% số người lớn và 52% số trẻ em sống chung với HIV đã được điều trị liệu pháp kháng retrovirus (ARV) suốt đời. Ghi nhận những tiến bộ trong nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS, nhưng theo ông Michel Sidibe, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc (LHQ) về HIV/AIDS (UNAIDS), cuộc chiến này đang ở thời điểm gian nan vì hàng năm vẫn có bệnh nhân nhiễm mới.
UNAIDS cảnh báo cuộc chiến này đang chững lại trong khi những cam kết đối với các đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV nhất chưa được thực thi. Ông Michel Sidibe còn cho biết, sự thiếu hụt ngân sách cho cuộc chiến chống HIV/AIDS đang gây trở ngại trong việc xóa sổ căn bệnh này trên toàn cầu. Khu vực Tây và Trung Âu và Bắc Mỹ đạt nhiều thành công nhất trong cuộc chiến này với tỷ lệ 78% số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị y tế, nhưng sự cải thiện chưa thấy rõ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi khi chưa tới 25% số người nhiễm bệnh được điều trị. Khu vực này cũng chiếm hơn 2/3 tổng số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu. Để duy trì sự tiến bộ và đạt mục tiêu có 90% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV vào năm 2020, mỗi năm, tổ chức này cần thêm 7 tỷ USD cho việc phòng, chống lây nhiễm virus HIV và điều trị cho các bệnh nhân. Trong năm ngoái, khoảng 21,3 tỷ USD đã được giải ngân cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS tại các nước thu nhập thấp và trung bình.
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhưng nhiều người tiếp tục mất việc vì nhiễm HIV. Nghiên cứu mới nhất vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Mạng lưới Toàn cầu của Người sống với HIV (GNP+) công bố, cho thấy mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong việc điều trị, cho phép người có HIV có thể làm việc, song họ vẫn tiếp tục phải chịu phân biệt đối xử khi tìm kiếm và giữ việc làm. Báo cáo dựa trên các cuộc điều tra do 13 nhóm quốc gia trên toàn thế giới tiến hành với hơn 100.000 người sống chung với HIV. Tỷ lệ những người đã làm việc nhưng bị mất việc làm hoặc mất nguồn thu nhập do sự phân biệt đối xử của chủ hoặc đồng nghiệp dao động từ 13% ở Fiji đến 100% ở Đông Timor. Trong bối cảnh đó, báo cáo cũng cho biết, nhiều người không muốn tiết lộ tình trạng HIV của họ với chủ sử dụng lao động hoặc thậm chí là đồng nghiệp.
Theo các dữ liệu mới nhất về HIV và tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc cung cấp trong báo cáo, những người sống chung với HIV đang thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao, từ khoảng 7% số người được phỏng vấn ở Uganda cho đến 61% ở Honduras. 10 trong số 13 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp từ 30% trở lên trong số những người được hỏi. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, những người trẻ sống chung với HIV có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều, phụ nữ sống chung với HIV cũng ít có khả năng được tuyển dụng hơn nam giới có HIV do công việc nội trợ và việc gia đình không được trả lương. Tình trạng phụ nữ thiếu thu nhập độc lập cũng rất phổ biến, có nghĩa là phụ nữ sống chung với HIV không được hưởng quyền tự chủ kinh tế ở mức tương đương với nam giới. Thất nghiệp giữa những người chuyển giới sống chung với HIV vẫn còn cao ở các quốc gia.
Điều chế vaccine có tiến triển
Trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo cuộc chiến chống HIV/AIDS đang suy yếu tại một số khu vực trên thế giới, tại Hội nghị AIDS quốc tế - hội nghị lớn nhất bàn về vấn đề này trên thế giới diễn ra vào tháng 7 năm nay tại Amsterdam của Hà Lan, bà Linda - Gail Bekker Chủ tịch Hiệp hội quốc tế về AIDS (IAS) kiêm Chủ tịch Khoa học quốc tế IAS 2018, tư tưởng thành kiến với căn bệnh đang là rào cản lớn nhất hiện nay trong việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách và tài trợ phải có trách nhiệm chứng minh rằng, việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS chỉ thu được kết quả khi ưu tiên các chính sách dựa trên khoa học luôn được đảm bảo kinh phí đầy đủ, cũng như nỗ lực hợp tác để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, không nên để bất kỳ ai không được điều trị hoặc chết vì HIV/AIDS do thiếu tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe cơ bản. Ngăn ngừa và chăm sóc các bệnh nhân HIV phải là một phần trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu bao phủ y tế toàn cầu. Theo ông Ghebreyesus, mặc dù nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện song tiến triển trong việc xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS vẫn còn chậm. Ông cảnh báo thế giới có thể sẽ không đáp ứng được các mục tiêu của LHQ năm 2020 về HIV/AIDS, do người dân rất nhiều nơi trên thế giới không nhận được các biện pháp phòng tránh và điều trị mà họ cần.
Nỗ lực điều chế vaccine phòng ngừa bệnh HIV/AIDS trong 40 năm qua đã ghi nhận tiến triển khi các nhà khoa học thông báo một loại vaccine đang thử nghiệm đã tạo ra một chuỗi phản ứng mạnh trong hệ miễn dịch ở con người và đã bảo vệ các con khỉ không bị lây nhiễm virus HIV. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, nhóm nghiên cứu của Dan Barouch, Giáo sư Trường Đại học Y Harvard (Mỹ), cho biết vaccine HVTN704 - còn gọi là Imbokodo - đã bước đầu phát huy hiệu quả ở 2/3 trong số 72 con khỉ được tiêm thử nghiệm, bảo vệ chúng không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, kết quả này vẫn chưa thể đảm bảo vaccine HVTN704 có thể phát huy hiệu quả tương tự ở người. Vaccine trên đã được thử nghiệm ở 393 người lớn khỏe mạnh không nhiễm HIV trong độ tuổi từ 18 - 50 tại Đông Phi, Nam Phi, Thái Lan và Mỹ. Kết quả ban đầu cho thấy, vaccine tạo nên một phản ứng miễn dịch mạnh trong cơ thể người. Có 5 người ghi nhận các tác dụng phụ như đau dạ dày, tiêu chảy, chóng mặt hoặc đau lưng. Vaccine HVTN704 đang được chuyển sang giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.
Trong giai đoạn sau, vaccine sẽ được tiêm cho 2.600 phụ nữ sống ở miền Nam châu Phi để đánh giá khả năng ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Kết quả thử nghiệm HVTN704 chính thức cuối cùng dự kiến sẽ có trong giai đoạn 2021 - 2022. Cho đến nay, chỉ có duy nhất vaccine RV144 có khả năng bảo vệ con người không bị lây nhiễm HIV ở một mức độ nhất định. Năm 2009, RV144 được báo cáo đã giảm 31,2% nguy cơ lây nhiễm HIV trong số 16.000 người tình nguyện Thái Lan. Việc phát triển một loại vaccine phòng ngừa HIV rất khó khăn vì virus có khả năng biến đổi và ẩn náu trong tế bào, tránh sự tấn công của hệ miễn dịch. Chúng có thể hoạt động trở lại và lây lan sau nhiều năm sau đó. Giờ đây, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc kháng ARV suốt đời. Bao cao su vẫn là công cụ hàng đầu giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, chủ yếu lây qua đường máu và quan hệ tình dục không an toàn.