Arnaud Guerard, quan chức chính quyền địa phương phụ trách các vấn đề môi trường, cho biết tình trạng ô nhiễm là do rối loạn chức năng trong khu công nghiệp của Tập đoàn TotalEnergies (Pháp).
Theo quan chức này, tập đoàn đã sản xuất hơn 1 triệu tấn hạt vi nhựa mỗi năm và lưu trữ chúng tại các hầm chứa khổng lồ trong khu vực. Trong quá trình vận chuyển, những hạt nhựa này đã vô tình bị tràn ra ngoài và gây tác động nghiêm trọng đến môi trường. Theo A.Guerard, không có lý do gì mà cộng đồng phải trả giá cho tác hại này khi các tập đoàn có đủ phương tiện để hành động ngăn ngừa ô nhiễm. Tập đoàn TotalEnergies cho biết đã thực hiện nhiều cách nhằm khắc phục tình trạng này, bao gồm việc sử dụng đường ống kín để di chuyển các viên nhựa giữa các địa điểm, đầu tư một máy thổi khổng lồ để chúng không bám bên ngoài bề mặt xe tải hay vệ sinh, kiểm tra thường xuyên.
Lucie Padovani, thuộc nhóm môi trường Surfrider Foundation, cho hay các hạt vi nhựa này là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm ngấm ngầm và mãn tính trên khắp châu Âu từ sản xuất, vận tải đường bộ và đường biển. Theo Natacha Tullis thuộc Viện Pew, một tổ chức phi lợi nhuận, khi ra ngoài tự nhiên, các hạt nhựa không thể phân hủy sinh học, thậm chí sẽ phân hủy thành các hạt nhỏ hơn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Về phần mình, chính quyền thị trấn Ecaussinnes cũng đã thiết lập những đập lọc trên các dòng suối, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều nguy cơ đối với các loài lưỡng cư. Sau 16 năm nhận được khiếu nại của người dân địa phương và tích lũy bằng chứng về tình trạng ô nhiễm, chính quyền thị trấn đã cố gắng sắp xếp một cuộc đối thoại với các công ty liên quan. Tuy nhiên, vẫn phải dùng đến hành động pháp lý do chưa tìm được tiếng nói chung.
Ô nhiễm vi nhựa cũng là vấn đề mà Liên minh châu ÂU (EU) đang phải đau đầu. Năm ngoái, một container chứa hạt vi nhựa đã bị rơi khỏi tàu chở hàng, khiến hàng triệu hạt này trôi dạt vào khu vực bờ biển Galicia của Tây Ban Nha. Tháng 10-2023, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một đề xuất nhằm giảm tình trạng rò rỉ hạt vi nhựa bằng cách buộc các công ty lớn phải đánh giá rủi ro cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa và làm sạch khi có sự cố xảy ra. Nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng đạo luật này - vốn chưa được các quốc gia thành viên và các nhà lập pháp đàm phán - vẫn còn thiếu sót. L.Padovani e ngại rằng dự luật không áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm phần lớn trong chuỗi sản xuất nhựa cũng như vận tải hàng.
Nhà lập pháp EU người Bỉ Saskia Bricmont nằm trong số những người thúc đẩy biện pháp cứng rắn hơn, cho biết: “Các sáng kiến được thực hiện trên cơ sở tự nguyện là chưa đủ. Chúng tôi thấy điều đó ở Ecaussinnes, nơi không có hoạt động dọn dẹp có hệ thống và không có sự thẩm định”. Bà S.Bricmont hy vọng có một luật riêng về tội phạm môi trường có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hạt vi nhựa. Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, mỗi năm có tới 184.000 tấn viên nhựa thải ra ngoài môi trường trên khắp 27 quốc gia EU.