Theo báo South China Morning Post, các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip của Nhật Bản yêu cầu giấy phép cụ thể đối với việc xuất khẩu 23 loại mặt hàng sang bất kỳ quốc gia nào không có trong danh sách 42 thị trường “thân thiện”. Đối với Trung Quốc, thực tế đây là một lệnh cấm, tương tự như lệnh hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ được công bố vào tháng 10-2022, giáng một đòn nặng nề vào nỗ lực thúc đẩy tự cung tự cấp lớn hơn về chip của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình về quyết định của Chính phủ Nhật Bản và kêu gọi phía Nhật Bản suy nghĩ lại, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy quyết định này sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao tuyên bố với người đồng cấp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura rằng, chính sách này thể hiện “việc làm sai trái” vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Nhật Bản, tương tự như Hà Lan, đã không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong các thông báo kiểm soát xuất khẩu của mình. Thay vào đó, các quan chức Tokyo cho biết, quyết định nói trên thuộc Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, quy định việc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản và các hàng hóa khác có thể được chuyển đổi thành các ứng dụng quân sự. Các mặt hàng bị hạn chế trong danh sách đang mở rộng, sẽ nhắm vào một loạt thiết bị và vật liệu công nghệ cao cần thiết cho sản xuất chip tiên tiến.
Theo các nhà phân tích, những hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản về các thiết bị và linh kiện có hàm lượng công nghệ cao vượt qua cả lệnh hạn chế mà Mỹ đã áp đặt trước đó với Trung Quốc. Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc, Nhật Bản là nhà xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn hàng đầu sang Trung Quốc vào năm 2022. Ông Arisa Liu, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu kinh tế đảo Đài Loan, cho biết, các hạn chế về chip của Nhật Bản có vẻ “khắc nghiệt hơn dự báo trước đây”, có nghĩa là tác động sẽ mạnh hơn đối với Trung Quốc. Hầu hết các hạn chế có trong danh sách là máy móc cần thiết trong quá trình sản xuất chip bán dẫn, bao gồm in thạch bản, khắc, phủ, phát triển và làm sạch…
Một nhà đầu tư thiết bị sản xuất chip tại Trung Quốc yêu cầu giấu tên nhận định những hạn chế này có thể “tàn phá” ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các hạn chế cũng có thể bao gồm cả thiết bị đã qua sử dụng, trong khi các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã chuyển sang các nhà cung cấp linh kiện không phải của Mỹ, chủ yếu từ Nhật Bản, Hà Lan và Đức, trong 3 năm qua.
Nhật Bản là nước đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, với sự độc quyền trong một số lĩnh vực nhất định, điều mà Tokyo đã từng sử dụng trong quá khứ trong cuộc cạnh tranh với Hàn Quốc. Vào tháng 7-2019, Nhật Bản đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu chính polyimide flo hóa, điện trở và hydro florua để sản xuất chip và màn hình, làm gián đoạn các ngành công nghiệp của Hàn Quốc. Việc kiểm soát xuất khẩu chỉ kết thúc trong năm nay khi Tokyo và Seoul hàn gắn quan hệ.