Vụ tấn công nói trên như một thách thức cho cả Mexico và Mỹ khi xảy ra đúng vào dịp Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador kỷ niệm một năm nhậm chức. Các cuộc thăm dò cho thấy, người Mexico coi thất bại trong việc kiềm chế bạo lực là điểm yếu lớn nhất của nhà lãnh đạo này. Ông Lopez Obrador cũng chịu áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người hồi tuần trước cho biết, đang cân nhắc đưa các băng đảng ma túy Mexico vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mexico lo ngại động thái của Mỹ có thể gây tổn hại cho đầu tư, du lịch và dẫn tới khả năng hành động đơn phương của Mỹ. Tổng thống Mexico Obrador đã nhanh chóng bác bỏ kế hoạch của ông Donald Trump, coi đó là “chủ nghĩa can thiệp”. Ông Obrador tuyên bố, Mexico sẽ giải quyết vấn đề này sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ và Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với các đối tác Mỹ. “Hợp tác: có, can thiệp: không”, ông Lopez Obrador khẳng định.
Cựu Đại sứ Mexico tại Mỹ Arturo Sarukhan cho rằng, ý định của ông Donald Trump không hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề bạo lực của các băng đảng tội phạm. Theo ông Sarukhan, ý tưởng này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương, tác động xấu đến thương mại và an ninh biên giới. Ông Sarukhan nói với kênh CBS: “Bất kể các tổ chức tội phạm đã hoành hành như thế nào ở Mexico, công cụ mà bạn sử dụng để đối đầu với các tổ chức tội phạm có tổ chức rất khác với công cụ mà bạn cần để đối đầu với khủng bố”. Nhà nghiên cứu về khủng bố Marcus Allen Boyd tại Đại học Maryland nhận định, thật khó để định nghĩa các băng đảng Mexico là các nhóm khủng bố. Phần lớn bạo lực mà các nhóm này gây ra không phù hợp với các định nghĩa được chấp nhận về khủng bố, bởi vì các hành vi bạo lực đó thường không được sử dụng để đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế, tôn giáo hoặc xã hội.
Hồi tháng 10, các tay súng thuộc băng nhóm tội phạm Sinaloa đã tấn công và nắm quyền kiểm soát thành phố Culiacan để đòi giải thoát cho con trai của trùm ma túy Sinaloa Joaquin Guzman. Và chúng đã thành công khi nhà chức trách đã phải sớm thả Ovidio Guzman. Theo báo Washington Post, chiến lược chống tội phạm trước đó của Mexico, vốn được Mỹ hậu thuẫn, theo đó tập trung phá vỡ các băng nhóm ma túy lớn đã dẫn đến việc ra đời hàng chục nhóm nhỏ, làm cho xung đột trở nên khó kiểm soát hơn.
Tỷ lệ giết người ở Mexico dự kiến sẽ lên mức kỷ lục trong năm nay. Tổng thống Obrador đã cố gắng giải quyết nguồn gốc của bạo lực bằng cách tạo thêm việc làm và học bổng cho giới trẻ. Ông cũng thành lập lực lượng vệ binh quốc gia với khoảng 70.000 người để cải thiện an ninh, nhưng nhiều thành viên đã phải chuyển hướng hoạt động để ngăn chặn người di cư từ Trung Mỹ vào Mỹ theo thỏa thuận với chính phủ của Tổng thống Donald Trump. Ông Obrador đang bị chỉ trích vì thiếu một chiến lược bao quát hơn, bao gồm cả việc tăng cường cảnh sát địa phương và lực lượng tư pháp.