
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, với tâm lý “có thể đây là cơ hội cuối”, các nhà bán lẻ lớn như Walmart, Target và nhiều thương hiệu thời trang đã nhanh chóng khởi động lại việc đặt hàng và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc để chuẩn bị cho mùa mua sắm hè bắt đầu từ cuối tháng 5.
Theo Reuters, các mặt hàng như áo tắm, váy hè, dép xỏ ngón và kem chống nắng đang được ưu tiên nhập khẩu để kịp thời phục vụ nhu cầu mùa hè. Mặc dù vận chuyển bằng đường biển mất từ 30-60 ngày, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương thức này do chi phí thấp hơn so với vận chuyển bằng đường hàng không. Tờ Times of India dẫn dữ liệu từ công ty theo dõi chuỗi cung ứng Vizion của Trung Quốc, cho thấy, lượng đặt chỗ vận chuyển container từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng gần 300% chỉ trong tuần đầu tiên sau khi thỏa thuận tạm dừng áp thuế được công bố.
Tuy nhiên, bài toán logistics không hề dễ giải. Theo The Wall Street Journal, giá cước vận chuyển container từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng khoảng 8% trong tuần qua và dự kiến sẽ tăng đến 50% trong 10 ngày tới. Một số hãng vận tải đang báo giá tăng thêm 900USD cho mỗi container, đẩy chi phí lên hơn 3.000USD/container.
Thời gian vận chuyển đường biển từ Trung Quốc sang Mỹ thường mất ít nhất một tháng, thậm chí lâu hơn trong mùa cao điểm. Để rút ngắn thời gian, bất chấp chi phí có thể đội lên nhiều lần, một số doanh nghiệp đã chuyển sang phương án hàng không. Dịch vụ vận chuyển nhanh bằng hàng không như Portless, có trụ sở ở Canada, ghi nhận lượng khách tăng đột biến từ các thương hiệu thời trang và hàng tiêu dùng nhỏ, chấp nhận bỏ thêm tiền, miễn là kịp hàng lên kệ trong tháng 6-7. Hãng Walmart cũng đã cảnh báo về khả năng tăng giá bán lẻ trong thời gian tới do chi phí nhập khẩu tăng cao.
Kể từ đầu năm 2025, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc tăng vọt, có lúc chạm mốc 145%. Với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang và hàng tiêu dùng nhanh, đó là một cú sốc chi phí thực sự. Việc tạm thời giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ mức đỉnh 145% xuống còn 30% đã tạo ra một “khoảng trống vàng” trong 3 tháng mà các doanh nghiệp không thể bỏ lỡ. 90 ngày này được xem là khoảnh khắc vàng để hành động và các tập đoàn bán lẻ đang dốc toàn lực gom hàng trước khi cánh cửa ưu đãi tạm thời này đóng lại.
Theo giới quan sát, không ai dám chắc liệu căng thẳng thương mại có được xoa dịu thật sự, hay sẽ tái bùng phát dữ dội hơn. Vì thế, động thái “gom hàng” hiện nay vừa là chiến lược ngắn hạn, vừa là biện pháp phòng vệ mang tính thời điểm. Ông Rolf Habben Jansen, CEO của hãng vận tải Hapag-Lloyd của Đức, cho biết lượng đặt chỗ đã tăng hơn 50% so với các tuần trước đó. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đợt tăng này có thể chỉ là tạm thời và phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của các cuộc đàm phán thương mại.
Tình huống này phản ánh một thực tế rõ ràng, trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, các doanh nghiệp buộc phải linh hoạt, phản ứng nhanh và chấp nhận rủi ro để duy trì chuỗi cung ứng. Một quyết định đặt hàng hôm nay có thể là yếu tố sống còn của mùa kinh doanh sắp tới.