Đã gần 5 năm, Thái Lan chưa có cuộc tổng tuyển cử sau cuộc đảo chính của lực lượng quân sự vào tháng 5-2014. Công bằng mà nói, dưới sự điều hành của chính quyền quân sự, tình hình an ninh, chính trị của Thái Lan đã yên ắng hẳn, không còn các cuộc biểu tình liên tục của cả lực lượng “áo vàng” và “áo đỏ”. Tuy nhiên, dù muốn hay không, theo lộ trình do lực lượng quân sự đưa ra, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 24-3 sau nhiều lần trì hoãn.
Đề cập tới bầu cử, báo The Nation ngày 13-3 có bài viết đặt vấn đề: Lực lượng của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ ở lại hay ra đi? Đây cũng là câu hỏi của cử tri. Cũng như nhiều cuộc bầu cử trước đây, các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống người dân như giá nông sản, miễn phí giáo dục, y tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu.
Hai phe “áo vàng”- được Hoàng gia và tầng lớp trí thức ủng hộ - và “áo đỏ” - được nông dân ủng hộ - hình thành sau cuộc đảo chính năm 2006. Giờ đây, theo nhà khoa học chính trị Suraphot Thaweesak, mặc dù phong trào “áo đỏ” đã rất lớn mạnh so với cách đây 12 năm, được xem là phong trào ủng hộ dân chủ nhưng giờ đây bị coi là lực lượng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và “không còn được đánh giá là đóng góp cho nền dân chủ”. Bản thân lực lượng này cũng thận trọng khi nói đến dân chủ.
Theo ông Suraphot, họ không muốn mạo hiểm. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử này, cuộc chiến giữa phe tự do và phe bảo thủ đã được chú ý hơn, chủ yếu nhờ vào sự xuất hiện của đảng Chuyển tiếp tương lai (FWP). FWP cũng nhấn mạnh hệ tư tưởng của nền dân chủ. Đối với đảng Pheu Thai liên kết với ông Thaksin, ông Suraphot cũng đã thấy một sự thay đổi, trong đó số cử tri ủng hộ đã tăng. Pheu Thai quyết định tập trung nhiều hơn vào niềm tin và chính sách kinh tế hơn là dân chủ.
Nhà hoạt động dân chủ Nuttaa Mahuttana cho biết chính quyền quân sự mà cụ thể là Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) và tham vọng chính trị của họ làm cho cuộc bầu cử này rất khác biệt. Đảng Phalang Pracharat (PPRP) ủng hộ NCPO được thành lập từ các thành viên của chính phủ hiện tại và có kế hoạch để tướng Prayut Chan-o-cha giữ được quyền lực. Đảng này đã thu hút được số lượng lớn chưa từng có các cựu nghị sĩ. Và giờ đây, ông Prayut là ứng cử viên Thủ tướng sáng nhất của PPRP.
Dù bất kỳ ai lên cầm quyền, họ sẽ quyết định hướng đi của Thái Lan trong hai thập kỷ tới và dự báo sẽ có rất ít sự tham gia của công chúng vào công việc của chính quyền.
Phó lãnh đạo FWP Chamnan Chanruang tin rằng các đảng chính trị khác vẫn có cơ hội vì gần 5 năm qua, tư tưởng chống lại ảnh hưởng của quân đội đang tăng lên. Do đó, khi mọi người bỏ phiếu chống lại ông Prayut có nghĩa là họ muốn quân đội thoát khỏi chính trị và muốn các chính trị gia chuyên nghiệp điều hành đất nước.
Trước mắt, theo báo Bangkok Post, PPRP đang gặp phải các cáo buộc liên quan đến bữa tiệc gây quỹ của đảng vào tháng 12-2018, với sự tham gia và đóng góp của người nước ngoài cùng các tổ chức thuộc chính phủ hiện tại, trái với hiến pháp.
Tổng thư ký Ủy ban bầu cử (EC) Thái Lan Jarungvith Phumma cho biết EC vẫn đang điều tra vụ việc trong lúc các đảng khác đòi giải thể PPRP, giống như giải thể đảng Thai Raksa Chart sau khi đảng này đề cử chị gái Quốc vương tranh cử thủ tướng.