“Trong lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, không kể giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra cam go với nhiều khó khăn, thử thách như cuộc bầu cử lần này, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân”.
Kết quả cuộc bầu cử, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng số cử tri cả nước gồm 69.523.133 cử tri; tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 cử tri (đạt 99,6%). So với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tổng số cử tri của cuộc bầu cử lần này nhiều hơn 2.037.651 cử tri và số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cũng nhiều hơn 2.194.513 cử tri, cao hơn 0,25% so với nhiệm kỳ trước.
Về kết quả bầu đại biểu Quốc hội Khóa XV, theo báo cáo của các địa phương, trong cuộc bầu cử ngày 23-5, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội Khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã có nghị quyết không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%) .
Về kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố (cập nhật đến ngày 9.6), kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như sau: HĐND cấp tỉnh bầu được 3.721 đại biểu; HĐND cấp huyện bầu được 22.549 đại biểu; HĐND cấp xã bầu được 239.752 đại biểu.
Về bầu cử thêm, bầu cử lại, không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh nào phải bầu cử thêm và bầu cử lại; có 2 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện ở 2 tỉnh (Kiên Giang và Quảng Ngãi) phải tổ chức bầu thêm 3 đại biểu HĐND cấp huyện; 175 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã ở 157 xã, phường, thị trấn thuộc 22 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử thêm 280 đại biểu HĐND cấp xã; 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã (tỷ lệ 0,007% tổng số đơn vị bầu cử ) ở 3 xã thuộc 2 tỉnh, thành phố (Đắk Lắk và Hà Nội) phải tổ chức bầu cử lại 14 đại biểu HĐND cấp xã.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia nêu rõ, cuộc bầu cử lần còn một số hạn chế, liên quan đến việc rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định; cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã; một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu, sai sót về in phiếu bầu…
Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí cao với báo cáo kết quả cuộc bầu cử. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến lưu ý, đây là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên có đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người trúng cử là dân tộc Lự và dân tộc Brâu. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận, đánh giá cao việc lần đầu tiên kể từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VI đến nay, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội đã đạt hơn 30%...
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021; được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, công phu và được diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam với phạm vi rộng hơn, lây lan nhanh hơn và có chủng mới nguy hiểm hơn. Tuy vậy, chúng ta đã vượt qua mọi trở ngại, mọi khó khăn và đã tổ chức cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp về mọi mặt, điều này không chỉ trong nước mà quốc tế cũng đánh giá rất cao.