Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Raisi kể từ khi nhậm chức Tổng thống Iran vào tháng 8-2021 và cũng là chuyến thăm đánh dấu bước ngoặt hết sức quan trọng trong mối quan hệ giữa Tehran với Caracas, Managua và La Habana.
Trong chặng dừng chân cuối cùng của ông Raisi tại Mỹ Latinh, Iran và Cuba đã ký kết 6 hiệp định hợp tác, trong đó nổi bật là hiệp định đối tác toàn diện giữa hai chính phủ, hiệp định về tham vấn chính trị giữa các Bộ Ngoại giao hai nước và thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thông tin di động và dịch vụ.
Trước đó, Iran và Venezuela đã ký kết 25 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khoa học - công nghệ, viễn thông, nông nghiệp, công nghiệp, hàng hải, quốc phòng, văn hóa, khai khoáng, giáo dục, y tế, hóa dầu... với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia. Iran và Venezuela đã nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực, đồng thời bày tỏ mong muốn nâng kim ngạch thương mại song phương từ 3 tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Trong khi đó, với Nicaragua, hai nước đã ký 3 biên bản ghi nhớ về việc thành lập ủy ban hỗn hợp liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi khoa học - kỹ thuật; hợp tác trong lĩnh vực tư pháp...
Cả Iran, Cuba, Venezuela và Nicaragua - đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Ngoài chính sách Hướng Đông chú trọng phát triển quan hệ chiến lược với Nga và Trung Quốc, Mỹ Latinh cũng là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tehran. Do đó, việc Iran chủ động tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, năng lượng, hóa dầu, khoa học - công nghệ, viễn thông, y tế... với các quốc gia này sẽ mang lại cho các bên nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thoát khỏi thế cô lập về chính trị. Đó cũng là mục tiêu chung của Venezuela, Nicaragua và Cuba.