Theo quyết định 2345/QĐ-UBND huyện Minh Hóa ngày 8-12-2016, có 22 hộ dân của 6 xã vùng khó khăn được hỗ trợ 65.179 cây keo cấy mô trồng rừng lấy gỗ với diện tích hơn 32ha. Vốn từ ngân sách nhà nước.
Hồ sơ mời thầu của Phòng NN PTNT huyện Minh Hóa ghi phải cung ứng giống keo cấy mô. Công ty TNHH giống cây trồng Nông lâm Nam Việt (Thôn 8, Trung Trạch, Bố Trạch) cung ứng. Tuy nhiên khi cây giống về với người dân bị phát hiện giống keo không phải từ cấy mô mà lại là keo giâm hom, phẩm chất kém.
Báo cáo số 64/BC-UBND do ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa ký ngày 29-5-2017 chỉ ra loại giống của Công ty Nam Việt cung cấp chết 10.009 cây, trong đó tại nhà ông Đinh Minh Hưng xã Hóa Hợp chết 1.300 cây. Công ty này cung ứng không đúng chủng loại gồm 40.204 cây keo lai giâm hom thay vì cấy mô: “Đây là loại có chất lượng thấp hơn, giá thành rẻ hơn so với cây keo lai ghép mô”, báo cáo 64 nêu.
Giải thích với PV Báo SGGP, ông Niên cho rằng sai sót là do cán bộ phòng nông nghiệp không biết phân biệt cây keo cấy mô với cây keo giâm hom.
Được biết giá cây keo cấy mô theo ông Niên cung cấp là 2.800 đồng/cây, còn giá keo giâm hom là 900 đồng/cây, chênh lệch khá cao khiến người dân thiệt thòi, doanh nghiệp trục lợi. Trước sự việc này, ông Niên cho rằng đang tiếp tục triển khai thanh tra và không chi trả khoản chênh lệch này cho doanh nghiệp.
Theo điều tra, mặc dù cung ứng giống keo kém phẩm chất nhưng Công ty Nam Việt vẫn kê khai giá keo giống cấy mô. Người dân nhận keo cho biết, keo cấy mô sinh trưởng tốt, gỗ chắc, rễ sâu, trồng quy trình 10 năm không gãy đỗ do mưa bão, keo giâm hom thì mưa gió là gãy đỗ, gỗ giòn, bộ rễ nông.
Tại huyện Minh Hóa vào tháng 3 vừa qua, Báo SGGP phát hiện UBND huyện cung ứng giống đậu phộng cho 15 xã trị giá mỗi xã từ 300-500 triệu đồng tiền giống. Giống phải là SVL1, L14 năng suất cao. Một nhà cung ứng trúng thầu, đáp ứng các yêu cầu sở hữu trí tuệ, bản quyền, năng suất giống tốt, phù hợp bản địa nhưng sau đó ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện thừa nhận tự ý hủy thầu giống tốt, đưa “sân sau” là doanh nghiệp tư nhân Tân Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) cung ứng sai hồ sơ với giống đậu phộng L23, dân gieo 10 hạt chỉ nảy mầm 3 hạt, còn lại bị chết, thối, lép. Điều đặc biệt nguy hiểm là việc hủy giống tốt bắt dân nhận giống xấu hiện không có ai đứng ra chịu trách nhiệm trước dân, tiền giống từ ngân sách vẫn phải chi trả còn người dân thì rất bức xúc. Thường trực Huyện ủy Minh Hóa đã yêu cầu ông Đinh Hữu Niên giải trình nhưng hiện vẫn không thực hiện một cách nghiêm túc.