Dù sống ở Paris (Pháp), nhưng Amanda Huỳnh là cái tên quen thuộc với bạn đọc trong nước. Bởi trước tập tản văn Nơi chúng ta thuộc về, chị từng xuất bản Phố đàn bà (in chung, NXB Trẻ, 2015), Lam (NXB Trẻ, 2016) và Có hẹn với Paris (NXB Trẻ, 2018).
Là người viết, đồng thời cũng là họa sĩ nên những tác phẩm của chị định hình trong lòng bạn đọc với những trang viết đầy cảm xúc và màu sắc, giàu tính biểu tượng. Đặc biệt, các tác phẩm của chị có sự kết hợp giữa văn chương và hội họa qua những bức tranh mà chị cũng là tác giả. Nơi chúng ta thuộc về là một tác phẩm như vậy.
Tác giả Amanda Huỳnh (giữa) trong chương trình giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt tác phẩm "Nơi chúng ta thuộc về" |
Trong khi Lam và Có hẹn với Paris giống như những cuốn nhật ký ghi lại cuộc đời, những gì mình từng trải và góp nhặt từ những vụn vặt xung quanh, thì đến Nơi chúng ta thuộc về, dường như tác giả Amanda Huỳnh lựa chọn quay về bên trong và lắng nghe bản thân mình nhiều hơn. Theo chia sẻ của tác giả, cuốn sách này được chị viết trong hai năm đại dịch. Thời gian đầu, khi phải đối diện với bốn bức tường trong thời gian cách ly, chị đã sợ hãi, hoang mang và bối rối. Nhưng, nhờ viết và vẽ đã giúp chính mình vượt qua giai đoạn đầy khó khăn đó.
Nơi chúng ta thuộc về dẫn dắt bạn đọc đi 3 qua ba chương: Yêu - Thương - Tha thứ. Đây cũng chính là con đường mà tác giả đã đi qua để cuối cùng tìm về nơi an ổn nhất trong cuộc đời mình. Theo Amanda Huỳnh, khi nói về tình yêu, không chỉ có hạnh phúc thôi đâu mà còn có cả đau khổ. Chính vì những đau khổ đó mà chúng ta sẽ khám phá được bản thân mình ở những chiều kích khác.
“Bạn sẽ cảm thấy tại sao mình có thể chịu đựng nhiều như vậy, cũng như không tưởng tượng được mình lại dũng cảm, nhớ thương nhiều như vậy. Cùng với tình yêu, mình chết lặng và hồi sinh, mình phát hiện ra mình ở những chiều kích khác trong cuộc sống. Ở những chiều kích đó, mình phát hiện ra một điểm của chính mình mà chưa nhận ra trước đây. Khi bạn nối tất cả các điểm đó lại, sẽ tạo ra một hình hài của chính bạn. Khi các bạn nhận ra chính mình thì đó là hành trình đầu tiên của yêu thương”, tác giả chia sẻ.
Với chương thứ 2 - Thương, tác giả Amanda Huỳnh cho rằng, trong cuộc sống có những điều lớn hơn tình yêu, quan trọng hơn tình yêu. Có nhiều lúc, trong tình thương chúng ta sẽ thấy mình có nhiều sự chấp nhận, nhiều sự hy sinh hơn. Đó là một khía cạnh khác của tình yêu, như tình yêu gia đình, tình yêu quê hương.
Đề cập đến sự tha thứ, theo tác giả Amanda Huỳnh, chúng ta cần bao dung, tha thứ cho người khác, tuy nhiên, sự tha thứ lớn hơn mà tác giả muốn nhắc đến trong cuốn sách này, đó là tha thứ cho chính mình.
Nhờ trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm đã giúp Amanda Huỳnh trở nên mạnh mẽ, kiên cường và độc lập. Ở tuổi 28, Amanda Huỳnh nhận bằng Tiến sĩ tại Pháp, trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ trong học tập và nghiên cứu. Năm 2013, chị trở thành gương mặt Tài năng mới do tổ chức nghệ thuật đa quốc gia Art 3F vinh danh, có tác phẩm được trưng bày tại các phòng triển lãm ở Pháp và Dubai.