Đạo diễn Phan Hoàng

Cùng nông dân “ra khơi”

Cùng nông dân “ra khơi”

Từng là một đạo diễn phim truyện quen thuộc với các tác phẩm như Cô giáo Mai và cu Tí, Giao thời, Tài tử nghiệp dư, Mầm sống..., Phan Hoàng đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi trở thành chủ trò chương trình “Ra khơi” (dài 25 phút) do Cửu Long Film hợp tác với Ban Khoa giáo của Đài Truyền hình TPHCM thực hiện, phát sóng định kỳ lúc 16 giờ 30 thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7, bắt đầu từ ngày 12-1-2007. Sau một buổi phát sóng của “Ra khơi”, chúng tôi đã trò chuyện với đạo diễn Phan Hoàng.

Cùng nông dân “ra khơi” ảnh 1

- Trước tiên, xin cho biết vì sao đang là đạo diễn phim truyện của Hãng TFS, anh lại “ra riêng” lập hãng phim tư nhân Cửu Long?

- Thực ra, TFS có điều kiện làm việc tốt, anh em đồng nghiệp đối xử với nhau thân tình nhưng tính tôi ham đột phá, thích đi tìm cái mới. Nói như vậy không phải là ở TFS tôi không có cơ hội làm cái mới, ở đó tôi từng được làm bộ phim truyền hình dài tập đề tài đổi mới đầu tiên của hãng là Giao thời, nhưng ở TFS, đạo diễn như tôi mỗi năm chỉ được giao làm 1 phim, nên khoảng thời gian trống khá nhiều, muốn kiếm việc làm thêm thì vướng cơ chế. Đúng thời điểm Nhà nước cho phép lập hãng phim tư nhân với chủ trương cho xã hội hóa truyền hình, tôi mạnh dạn tách ra làm riêng, lập hãng Cửu Long Film cuối năm 2005.

- Tên tuổi có được từ một đạo diễn phim truyện, phim tài liệu trong gần 30 năm có tạo điều kiện thuận lợi cho anh khi lập hãng phim riêng không?

- Ngày còn ở TFS, đi làm phim có thương hiệu của đài truyền hình, trách nhiệm cuối cùng thuộc về đài truyền hình nên việc gì cũng thuận lợi. Còn lập hãng phim riêng, thời gian đầu tôi gặp nhiều khó khăn lắm, phải tự giới thiệu về mình, về hãng phim rất nhiều. Người ta chỉ biết Phan Hoàng làm đạo diễn phim truyền hình chứ không biết Hãng Cửu Long. Mất 6 tháng chuẩn bị cơ sở vật chất, mất thêm 6 tháng nữa để tự tiếp thị hình ảnh. Chương trình Ra khơi ra mắt được xem là sự giới thiệu chính thức mang thương hiệu Cửu Long Film đến với tất cả mọi người.

- Trong khi đa số các hãng phim tư nhân tham gia xã hội hóa truyền hình đều chọn việc sản xuất phim truyện hay game show giải trí vừa dễ đổi sóng, vừa dễ thu hút quảng cáo thì vì sao Cửu Long Film lại làm chương trình “Ra khơi” nặng tính tuyên truyền, tiếp thị hình ảnh nông nghiệp- nông thôn- nông dân Việt Nam?

- Tôi làm chương trình này vì nhiều lý do. Tôi xuất thân từ xứ Cà Mau, dù có ở thành phố bao năm thì lòng tôi vẫn đau đáu về xứ ấy, muốn làm điều gì đó cho người nông dân. Nhiều năm qua, tôi có dịp đi nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tận mắt thấy hiện thực về nông thôn và nông dân ở đó.

Trong khi 70% sản lượng nông sản được làm ra ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng sự đầu tư ngược lại cho nông dân không đáng kể, thu nhập của nông dân rất thấp, 80% sống trong nhà tạm và bán kiên cố, đầu tư giáo dục, y tế cũng rất thấp so với các vùng đồng bằng khác… Bằng sức lực nhỏ bé của mình cùng với nhiều người khác, tôi muốn tiếp sức cho nông dân lập một diễn đàn để nông dân tham gia, bảo vệ và tôn vinh nông dân- nông sản trong xu thế hội nhập…

- “Ra khơi” là một chương trình thuần Việt, phát sóng trong vòng 25 phút mà có tới 5 chuyên đề khác nhau với lượng thông tin khá dày và phong phú. Chắc hẳn anh mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho chương trình này?

- Tôi chuẩn bị kịch bản cho Ra khơi trong vòng 6 tháng, từ trước khi Việt Nam chính thức vào WTO. Rồi mua sắm máy móc, thiết bị; làm phim trường có 2 phòng dựng, thu tiếng… từ A-Z tại Cửu Long Film; tuyển chọn và mời gọi đội ngũ cộng tác viên gồm các đạo diễn, quay phim, biên tập viên, nhà báo, giáo sư chuyên ngành… cùng với sự hỗ trợ về nghề nghiệp, nội dung, mua bản quyền của Đài Truyền hình TPHCM, doanh nghiệp Vinamit cũng đồng hành… Nghĩa là, Nhà nước xã hội hóa truyền hình, còn tôi xã hội hóa “Ra khơi” để mọi người cùng tham gia thì chương trình mới hay được.

Mong muốn của chúng tôi là tạo sân chơi để tất cả các nhà nông của chúng ta được nói tiếng nói của mình, đưa những sáng kiến của mình, đưa những cái chuyển động của mình cho thành thị biết đến, cho thế giới biết đến…

- “Ra khơi” không chỉ có những thông tin về thị trường nông sản trong và ngoài nước; gương mặt nông dân sản xuất giỏi; kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản… mà còn có các tiểu phẩm hài thư giãn; giới thiệu các danh lam thắng cảnh và những kiểu nhà độc đáo; giao lưu với khán giả... Nhờ đâu mà anh có thể tổng hợp được nhiều thể loại như thế trong “Ra khơi”?

- Tôi may mắn được học chuyên về báo chí truyền hình, từng viết báo, làm phim phóng sự tài liệu, sau đó học đạo diễn rồi làm phim truyện. Khi làm “Ra khơi”, tôi đủ tự tin để xử lý được từ nội dung, hình ảnh đến dàn dựng…

Không chỉ cung cấp cho nông dân những thông tin trong nước mà sau này trong chuyên đề Nông sản hội nhập chúng tôi còn mời chuyên gia nước ngoài nói về tình hình nông nghiệp Thái Lan, hay chính sách “tam nông” của Trung Quốc; chúng tôi còn hướng tới việc khuyến khích người nông dân áp dụng phương tiện hiện đại như điện thoại di động, Internet, vi tính để phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Ra khơi” sẽ xây dựng hình ảnh của một người nông dân hiện đại khác với hình ảnh người nông dân mà bấy lâu mọi người vẫn nghĩ.

- Hơi tiếc là “Ra khơi” phát sóng vào thời gian từ 16 giờ 30 - 16 giờ 55 trên kênh HTV7, thời điểm chắc chắn nông dân chưa thể xong công việc để ngồi xem chương trình dành cho mình. Anh có nghĩ đến chuyện “Ra khơi” được phát sóng vào giờ vàng?

- Thời gian qua, nhà đài đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều rồi. Tuy tôi rất “thèm” giờ vàng nhưng tất cả mới chỉ bắt đầu. Trước mắt mình phải làm hết sức để chương trình khẳng định được uy tín và chất lượng trong lòng khán giả, rồi mới xin phát sóng vào giờ tốt hơn. Hy vọng là mọi người sẽ sớm được thấy màu áo nông dân xuất hiện ở giờ vàng trên truyền hình.

- Nếu có thể làm một phép so sánh về bản thân thì Phan Hoàng – đạo diễn phim truyện ở TFS có khác gì với Phan Hoàng – Giám đốc Hãng Cửu Long Film?

- Khác nhiều chứ, ngày trước tôi chỉ lo làm chuyên môn cho chính bản thân mình, chuyện đầu ra cho phim hay lương, thưởng đều có người khác lo. Còn bây giờ khi ra riêng, tôi phải vận động nhiều, phải tự bơi, phải tận dụng hết thời gian, tranh thủ làm được nhiều việc nhất và phải làm sao có được đầu ra, rồi nuôi gần 20 người thường trực... Hơn một năm nhìn lại, tôi rất hạnh phúc vì ra làm tư nhân mà mình vẫn được làm nghề, năng suất lao động cao hơn, khả năng làm việc nhiều hơn.

- Bận rộn với vai trò quản lý rồi làm các chương trình truyền hình, liệu sau này anh còn làm đạo diễn phim truyện truyền hình?

- Quản lý không phải là chuyên môn của tôi, vì vậy tôi đang tìm kiếm một số người giỏi, tin tưởng có thể thay mình để chỉ chuyên làm nghề thôi. Tôi đang rất cố gắng để năm 2007 quay về làm phim truyện truyền hình 10 tập có tựa Cá cược cuộc đời.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thân tình này!

PHÚC NHƯ THỦY

Tin cùng chuyên mục