Chia sẻ miếng ăn, chỗ ngủ
Bị thiệt hại nhiều tài sản từ các cơn bão dữ trước, nhiều năm qua, gia đình ông Võ Chặt (thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) tích cóp tiền bạc xây ngôi nhà chống bão. Trước ngày bão số 4 đổ bộ, ông mở cửa, dang rộng vòng tay đón những người hàng xóm có nơi ở thiếu kiên cố đến trú tạm, tránh bão. “Bà con hàng xóm đến ở, tá túc trong lúc bão dữ đi qua, việc sinh hoạt của gia đình tôi có khó khăn chút, nhưng không sao.
Tình làng nghĩa xóm là lúc này. Tất cả mọi người đều an toàn sau bão mới là điều trong trong nhất”, ông Chặt bày tỏ. Ông Chặt cho biết, gia đình ông còn chuẩn bị thêm gạo, mì tôm, thực phẩm để chia sẻ thức ăn với bà con hàng xóm trong thời gian trú bão tại đây. Hàng xóm của ông Chặt, ông Võ Lê có ngôi nhà 2 tầng kiên cố cũng chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm đón người dân vào tránh bão.
Ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), chính quyền địa phương trưng dụng nhà nghỉ của Bộ Công an và các trường mẫu giáo để sơ tán dân. Cùng với chính quyền, anh Lê Chiến (48 tuổi, xã Bình Hải) cũng mở cửa khách sạn 5 tầng (12 phòng) để các hộ dân sống ven biển vào ở tạm. Ở Quảng Nam, chủ nhiều resort cũng mở cửa đón dân đến ở tránh bão miễn phí. Ngoài hỗ trợ đi lại, nơi nghỉ, chủ các cơ sở lưu trú còn chuẩn bị nước uống, thực phẩm miễn phí phục vụ người dân khó khăn đến ở, tránh trú bão.
Ông Nguyễn Sau (60 tuổi, trú khối 48, phường Thanh Hà, TP Hội An) đến trú bão tại resort Mi An Villa (Quảng Nam), xúc động: “Nhà tôi không kiên cố, bão vào rất nguy hiểm. Được chủ resort cho ở nhờ để tránh bão, mừng lắm. Mong bão qua nhanh, ai nấy đều an toàn”. Ở TP Hội An (Quảng Nam), nhiều doanh nghiệp vận tải còn tổ chức vận chuyển miễn phí người dân đến nơi an toàn.
Từ sáng đến chiều tối 27-9, đội xe 16 chỗ của anh Nguyễn Trí Minh, Trưởng nhóm thiện nguyện Tươi sáng TP Hội An chở hàng trăm lượt người đến các địa điểm tránh trú bão trên địa bàn thành phố. Tại Đà Nẵng, từ chiều 26-9, khi nghe siêu bão sắp đỗ bộ, một số khách sạn như Sea Phoenix, Santori Hotel & Spa Da Nang... đăng thông tin trên mạng xã hội facebook để hỗ trợ du khách bị mắc kẹt cũng như người dân, sinh viên không có nơi trú tránh an toàn.
Hoàn tất sơ tán dân
Đến chiều 27-9, TP Đà Nẵng đã sơ tán 41.602 người dân và 3.303 sinh viên, công nhân đến nơi an toàn. Tối cùng ngày, chính quyền các địa phương ở Đà Nẵng tổng rà soát, kiểm tra lần cuối, đảm bảo không một ai còn trong vùng nguy hiểm. Suốt ngày 27-9, chính quyền TP Đà Nẵng cấp tập sơ tán người dân ven biển và các khu dân cư đến nơi an toàn.
Ở quận Hải Châu, 8 khối nhà thuộc khu chung cư phường Thuận Phước là nơi sinh sống của 288 hộ gia đình, hầu hết các căn hộ hiện đã xuống cấp, nhiều vết nứt ngang, dọc. Để đảm bảo an toàn, từ trưa ngày 27-9, hộ dân ở các căn hộ tầng 2 và 3 trong đó có nhiều người già, khuyết tật và trẻ nhỏ được chính quyền địa phương vận động và hỗ trợ di chuyển đi đến Trường Tiểu học Võ Thị Sáu để tránh bão. Ngoài sắp xếp chỗ nghỉ, chăn màn, nhu yếu phẩm, chính quyền địa phương cũng bố trí lực lượng túc trực để hỗ trợ người dân trong các tình huống phát sinh.
Trong chiều 27-9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương sơ tán dân. Tại các điểm xung yếu, các cán bộ, chiến sĩ công an đội mưa đến từng nhà vận động người dân, hỗ trợ di chuyển tài sản, cõng người già neo đơn, người tàn tật, người bệnh... đến nơi an toàn. Các trường thuộc Đại học Huế trưng dụng phòng học, giảng đường cho sinh viên ngoại tỉnh tránh bão; bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên hỗ trợ các trường hợp di chuyển khó khăn.
Tối 27-9, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định hoàn tất việc sơ tán hơn 81.000 hộ với hơn 253.000 dân trong vùng xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn. Du khách trên các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được đưa vào đất liền tránh trú.