Đọc báo mỗi ngày, lại có thêm nhiều khu vực bị cách ly, thêm nhiều người nhiễm bệnh, thêm quặn lòng thương xót với những số phận gồng gánh trong mùa Covid-19. Trong cơn bão ấy, vẫn không thiếu những nét đẹp cộng đồng đầy nhân văn, không quản mọi gian nan để cùng nhau đồng hành vượt qua cuộc chiến không khoan nhượng với dịch bệnh.
Có những cộng đồng rất khác
Đợt dịch bệnh thứ 4 nhanh, mạnh và đầy bất ngờ đã làm cuộc sống của người dân đảo lộn. TPHCM đang bình yên, bỗng nhiên trận chiến ập tới và đến hôm nay, thành phố chính thức bước vào 1 tháng giãn cách xã hội, 1 tháng thật yên ắng để dưỡng thương hay nhiều hơn...
Có một cảm giác thật lạ khi phố thị lúc nào cũng được nhớ đến với cái không khí gấp gáp, sôi động nay lại chìm vào một sự im lìm, buồn bã. Cuộc sống như ngưng đọng trên những con đường vốn tấp nập. Những người lao động náu mình dưới tán cây, nhìn như buồn hơn vì những ngày này thật sự khó khăn lắm…
Những "siêu thị 0 đồng" mọc lên ngay giữa những nơi đang phải chịu phong tỏa, nơi ai cũng có thể đến chọn các nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày. Nào gạo, trứng, mắm muối, rau, thịt, trái cây... tất cả đều được các người bạn nghĩa tình gom góp để cùng chung tay, ta sẽ vượt qua được lúc này...
“Hôm nọ từ đâu có 1 xe gạo 8 tấn bên Thời báo Kinh tế Sài Gòn chuyển đến, hôm nay ông chủ đầu tư Nam Long, hồi thấy công bố mười mấy tỷ cho Bắc Giang, quỹ vaccine, chương trình cho bệnh viện y tế gì đó, tưởng cũng không còn đủ ngân sách quay lại quan tâm gì tụi tui đâu, nhưng hôm rồi thấy cũng chở về một số nhu yếu phẩm tặng mỗi căn hộ 1 phần. Tụi tui cũng cảm kích lắm”, chị Phương Anh- một cư dân Ehome 3 chia sẻ.
Thế rồi khi lực lượng chuyển hàng mệt mỏi, cư dân tự vận động nhau lập luôn một đội giao hàng cho mấy ngàn căn hộ. Hết sáng, rồi trưa, hết trưa rồi chiều …cứ như vậy người ta trao đi những tấm lòng đẹp lấp lánh.
Mỉm cười ấm lòng mùa dịch
….Rồi mấy nữa hết dịch, ta lại được mỉm cười vì TPHCM đi qua những ngày khó khăn, mà vẫn ấm tình người đến thế. Giữa những ngày ở nhà cách ly, đọc báo, những câu chuyện tử tế khiến cuộc sống nhẹ nhõm đôi phần. Kể làm sao cho hết tấm lòng của bao con người nơi đây.
Có hôm ngồi đọc những câu chuyện chia sẻ về sự tử tế giữa mùa dịch mà trái tim nhói lên, nước mắt chực trào: Những cuốc xe chở bác sĩ tới khu vực hỗ trợ dịch mà tài xế chẳng lấy tiền, “nhận tiền của bác sĩ là em có tội với Tổ quốc”, rồi cả chuyện bà mẹ dặn con ngồi ngoan để bác sĩ lấy xét nghiệm, nay bác sĩ cũng mệt lắm rồi, rồi hình ảnh những bác sĩ, y sĩ phờ phạc điều trị chống lại bệnh dịch, những chiến sĩ nhường giường gối, chăn ấm cho người dân đi hành quân, những anh chị tình nguyện vào tâm dịch chăm sóc cho người bệnh…
Dịch bệnh cũng cho ta thấy những điều tích cực mà bấy lâu ta không nhận ra, ta nhận thấy sự yêu thương của chính quyền địa phương với “con dân” của mình, nhận thấy sự hữu ích của lực lượng y tế phường xã mà bấy lâu ta không nhận biết họ đã làm gì, nhận thấy sự xông pha của Ban quản lý khu phố, ban quản lý khu dân cư khi họ dấn thân đồng hành cùng ta khi ta gặp sự cố, nhận thấy sự đáng giá của những doanh nghiệp sống với sứ mệnh vì cộng đồng. Những sự “tử tế” vào những lúc hoạn nạn đó khiến ta biết ơn thêm cuộc sống, biết rằng ta không bao giờ bị bỏ lại phía sau…