Chính vì vậy, đây không những là hành vi đáng lên án mà còn rất khó hiểu… tại sao họ lại “đầu độc” môi trường sống của chính mình? Nhất là khi sinh sống ở trung tâm kinh tế lớn của đất nước, nơi có “ngồn ngộn” thông tin cho mọi người hiểu rằng, để cải tạo, chống ngập, cải thiện môi trường hệ thống kênh rạch trên địa bàn, TPHCM phải tốn hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD.
Như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chỉ riêng chi phí cải tạo kênh đã là 290 triệu USD, chưa kể TPHCM còn phải đầu tư khoảng 400 tỷ đồng cải tạo 2 tuyến đường dọc kênh là Hoàng Sa, Trường Sa để nâng cao năng lực giao thông và cải thiện cảnh quan môi trường 2 bờ kênh. Đó mới là chi phí giai đoạn 1, giai đoạn 2 để xây dựng nhà máy xử lý nước thải cũng phải tốn hàng trăm triệu USD nữa.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang được Báo SGGP cảnh báo có nguy cơ ô nhiễm lại, cách nay gần 10 năm, TPHCM đã phải chi tới 162 triệu USD để cải tạo. Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ giai đoạn 1 có kinh phí hơn 4.163 tỷ đồng; giai đoạn 2 kinh phí hơn 11.281 tỷ đồng… Thế nhưng, đó chưa phải là những con số cuối cùng.
Để cải thiện căn bản môi trường cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời cũng để cải thiện môi trường cho khu vực rạch Xuyên Tâm, TPHCM đang phải bỏ ra gần 10.000 tỷ đồng để cải tạo con rạch này để rác từ rạch Xuyên Tâm không đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Chưa hết, TPHCM đang phải chi 8.200 tỷ đồng để cải tạo lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cùng hàng trăm tỷ đồng nữa để cải tạo kênh Hy Vọng, kênh A41, mương Nhật Bản nhằm chống ngập, cải thiện môi trường cho người dân khu vực sân bay Tân Sơn Nhất…
Có tiền để cải tạo kênh rạch đã khó, quá trình thực hiện các dự án cải thiện môi trường này cũng không đơn giản. Hẳn nhiều người còn nhớ, người dân thành phố đã phải chịu khó đi lại khó khăn, chấp nhận lòng đường bị thu hẹp lại để đơn vị thi công đào đường lắp đặt hệ thống cống thoát nước cho các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé… Mà thời gian thi công nào chỉ vài tháng, bởi thực tế dự án nào cũng kéo dài vài năm do tính chất phức tạp của hệ thống ngầm hiện hữu của thành phố.
Việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên dưới gặp rất nhiều khó khăn do hầu hết hồ sơ, dữ liệu đã bị thất lạc trong chiến tranh… Chúng ta đã trả một cái giá rất lớn để từng bước cải thiện môi trường hệ thống kênh rạch để qua đó cải thiện môi trường sống, chống ngập nước cho chính chúng ta, vậy tại sao vẫn có một số người không biết trân trọng thành quả này?
Ô nhiễm môi trường không gây ra cái chết tức thì nên có lẽ vì vậy vẫn có người chủ quan? Thế nhưng, nếu hiểu thì ai ai cũng biết ô nhiễm môi trường sẽ làm chất lượng cuộc sống suy giảm, sức khỏe vì thế cũng bị ảnh hưởng. Người dân sống trong khu vực ô nhiễm môi trường sẽ có nguy cơ mắc nhiều thứ bệnh tật. Chi phí chữa bệnh sẽ bào mòn nguồn lực tài chính của những người này và nếu may mắn hết bệnh thì họ cũng đã suy kiệt về kinh tế...
TPHCM đã mở nhiều cuộc vận động tuyên truyền người dân vứt rác đúng nơi quy định, cũng như đã có một hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác phủ hầu hết các quận, huyện. Hàng ngàn thùng rác công cộng cũng đã được lắp đặt khắp thành phố… Nói tóm lại, không có lý do gì để có thể biện minh cho hành vi vứt rác bừa bãi, đặc biệt vứt xuống kênh rạch. Do đó, chỉ có một giải pháp cho vấn đề này là phạt thật nặng hành vi vi phạm. Luật cũng đã quy định phải xử phạt như thế nào. Mong rằng ngành chức năng làm hết trách nhiệm của mình. Chắc chắn người dân sẽ ủng hộ việc làm này vì một hệ thống kênh rạch TPHCM xanh, sạch, đẹp. Bởi qua đó, cùng làm cuộc sống tốt đẹp hơn!