Cách đây hơn một năm, gia đình ông Minh (quận Bình Tân, TPHCM) đón đứa con trai đầu lòng. Thời điểm đó đại dịch Covid-19 tại TPHCM đã qua giai đoạn căng thẳng nhưng việc đi lại, giao dịch trực tiếp còn hạn chế.
Ông vào cổng dịch vụ công đăng ký tài khoản, làm theo hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến cấp giấy khai sinh cho con. Do không quen, ông mất rất nhiều thời gian thao tác. Cuối cùng, hồ sơ cũng gửi đi được. Vài ngày sau, cán bộ phường liên lạc xác nhận, hẹn ngày nhận giấy tờ. Đọc báo, xem tin tức về “chuyển đổi số” nhiều, tìm hiểu về chủ đề này, ông nhận ra nếu bản thân thay đổi thói quen là đóng góp vào chuyển đổi số.
Thật vậy, chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta. Điều này được thể hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược.
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND TPHCM cũng ban hành quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số TPHCM; kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số TPHCM và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Tiếp đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có Chỉ thị 17 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.
Qua 2 năm triển khai Chương trình chuyển đổi số, TPHCM đã xây dựng và vận hành hạ tầng và nền tảng số cơ bản, tập trung, thống nhất, đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ vận hành sản phẩm số. Chuyển đổi số giúp việc vận hành đô thị TPHCM trở nên hiệu quả hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các lợi ích cụ thể thông qua việc chính quyền TPHCM lắng nghe và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của người dân ngày càng hiệu quả hơn qua Tổng đài 1022 và các smart app của các địa phương, sở, ban ngành…
Tương tự, các bệnh viện, cơ sở điều trị ứng dụng công nghệ số trong công tác khám chữa bệnh, hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe trực tuyến ngày càng tốt hơn. Lĩnh vực giáo dục cũng ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong đào tạo, kết nối trực tuyến giữa nhà trường và gia đình. Bên cạnh đó, những lĩnh vực như lao động, an sinh xã hội đều đang tích cực chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn.
Dù vậy, hiện nay triển khai chuyển đổi số gặp không ít khó khăn, thách thức không chỉ riêng TPHCM mà cả nước. Một trong những khó khăn lớn nhất đó là thay đổi thói quen - thách thức lớn nhất là nhận thức đúng về chuyển đổi số.
Chúng ta đã quen với môi trường thực, nay chuyển sang môi trường số phải thay đổi thói quen là việc khó, đòi hỏi thời gian. Trong một tổ chức, cơ quan, đơn vị thay đổi thói quen, cách thức hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu. Một vấn đề khác nữa là số hóa dữ liệu và sự đồng bộ, liên thông dữ liệu.
Điều này đặt ra yêu cầu, toàn bộ sở, ban ngành, địa phương phải chuyển từ việc xử lý và cung cấp dịch vụ công rời rạc sang cung cấp dịch vụ số với quy trình thống nhất, dựa trên nền tảng dữ liệu chung, dữ liệu thủ tục hành chính; cũng như quy trình số hóa và xử lý hồ sơ dựa trên dữ liệu số để đổi mới cách cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân thống nhất theo cơ chế một cửa.
Trở lại câu chuyện của ông Minh ở trên, từ ngày thay đổi thói quen, cuộc sống của ông trở nên đơn giản, trải nghiệm nhiều tiện ích hơn chỉ bằng “một chạm”. Ông chia sẻ, mọi tiện ích cuộc sống, các giao dịch chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng.
Dù vậy, ông vẫn mong mỏi việc kết nối hệ thống xác thực định danh, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia theo Đề án 06 của Bộ Công an phải thật sự nhanh, đồng bộ, hoạt động trơn tru để người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu một cách tiện lợi nhất.