Trước tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, trong khi lực lượng thanh tra, giám sát còn nhiều hạn chế về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM đã khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh hành động vì an toàn thực phẩm.
Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp nâng cao nhận thức và chủ động đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, cũng như sức khỏe của người dân.
Nhiều doanh nghiệp hướng đến quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn phổ biến tình trạng sử dụng nguyên phụ liệu nhập lậu, chất cấm, hóa chất và gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ… trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở những điểm bán trên lề đường, gánh hàng rong… gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng. Còn những đơn vị sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, không kiểm soát được an toàn thực phẩm, vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trong thời gian gần đây.
Kết quả kiểm tra hàng tuần cho thấy, liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về kiểm dịch. Riêng liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phát hiện hàng chục vụ vi phạm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn sử dụng, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực, thiết lập website bán hàng nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước… Trong đó, có thể kể đến những vụ như tạm giữ 800kg bột đường; 18 lít rượu ngâm và 288 đơn vị sản phẩm (lon, bịch, chai) bia, rượu, hạt dẻ, trà; 950kg mì nui, 4.100 đơn vị sản phẩm mít sấy, bắp rang bơ… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa ghi nhãn không đầy đủ nội dung theo quy định. Trước bối cảnh trên, ngoài việc khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm đúng mức đến môi trường sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết đơn vị này sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó, đơn vị này sẽ đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng phương thức lựa chọn và nhận biết thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ… Đặc biệt, thúc đẩy quy hoạch, xây dựng một số tuyến đường, điểm ở 16/24 quận, huyện trên địa bàn cho gánh hàng rong và thức ăn đường phố; kêu gọi người dân không mua sắm và tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn thực phẩm… Cùng với đó, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và thường xuyên kiểm tra giám sát quy trình hoạt động, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, nhất là tại các cơ sở có bếp ăn tập thể như các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết xu hướng hiện nay là khi đưa sản phẩm ra thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, đơn vị sản xuất kinh doanh bắt buộc phải đảm bảo hàng hóa chất lượng và có truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đối với thị trường xuất khẩu, hàng hóa muốn thâm nhập vào các nước thường chịu sự kiểm soát chặt chẽ không chỉ bởi các quy định pháp luật ở nước sở tại mà còn được giám sát bằng hệ thống và đội ngũ thực thi hiệu quả. Riêng đối với việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, cụ thể là mặt hàng cà phê, cũng cần giải pháp mạnh hơn để ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Theo ông Đỗ Hà Nam, cơ quan chức năng các địa phương cần phối hợp liên ngành, trong đó lực lượng quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… kiểm tra, giám sát chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến… chứ không chỉ hàng hóa đã tung ra thị trường tiêu thụ. Vì trên thực tế, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc đơn vị sản xuất kinh doanh muốn tăng lợi nhuận đã sử dụng hóa chất, nguyên liệu, hương liệu cấm hay thực phẩm khác để pha trộn.
KIM TUYÊN