Sau khi đã xác định được đối tượng cần giúp và đối tượng giúp, các cấp hội đã tạo điều kiện để các hộ khá, giàu và hộ nghèo có điều kiện trao đổi, chia sẻ thông tin để người giúp và người được giúp có sự đồng cảm phối hợp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và thể hiện ý chí phấn đấu vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào người giúp.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thị ở ấp Cà Dâm (xã Tân Công Sính) phải ngày đêm làm mướn vẫn không nuôi nổi 2 đứa con ăn học. Năm 2017, chị Thị được 3 hộ khá và giàu ở xóm giúp vốn để phát triển nghề đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng cọng lục bình khô, nhờ đó vợ chồng chị có được thu nhập ổn định 100.000 - 150.000 đồng/ngày, thoát được cảnh nghèo. Chị Thị vui vẻ chia sẻ: “Hồi trước, gia đình tui cũng khổ lắm. Về đây, nhờ bà Năm giúp cho một số vốn, tui đan lục bình rồi tui cũng thoát nghèo, mừng lắm chú ơi”. Bà Nguyễn Thị Nuôi (ngụ cùng ấp) cho biết, bà tích lũy được một ít tiền con cái cho. Thấy gia đình chị Thị khó khăn, làm đầu tắt mặt tối mà không đủ ăn nên đã vận động thêm 2 người nữa cho chị mượn vốn làm ăn tổng cộng 3 triệu đồng. Đến nay chị Thị đã trả hết nợ và được địa phương đánh giá là đã thoát được nghèo.
Tại ấp Thống Nhất (xã Phú Thọ) có chị Trần Thị Kim Dung gia cảnh rất neo đơn. Vợ chồng chị Dung làm mướn suốt ngày mà vẫn thiếu trước, hụt sau. 2 năm gần đây, gia đình chị Dung được 3 hộ khá ở xóm cho mượn 5 triệu đồng làm vốn nuôi gà, vịt và giới thiệu chị đến làm việc tại cơ sở chế biến cá khô, nên chị Dung vừa có việc làm vừa có thu nhập ổn định và đã thoát được nghèo một cách bền vững. Chị Kim Dung bày tỏ: “Nếu không có mấy chị giúp đỡ thì em không biết chừng nào mới được thoát nghèo”.
Sau 5 năm thực hiện, toàn huyện có hơn 290 lượt hộ nghèo được 870 hộ khá, giàu giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: vốn, con giống, phương tiện, dụng cụ, đất sản xuất…, tổng kinh phí trên 580 triệu đồng. Các hộ nghèo sau khi được giúp vốn và phương tiện làm ăn đã chí thú sản xuất, chăn nuôi, mua bán và phát triển các nghề truyền thống khác để kiếm thu nhập. Qua thống kê, đã có 120 hộ được giúp đã thoát được nghèo bền vững. Bà Nguyễn Thị Ánh Gương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông, cho biết: “Năm 2019, kế hoạch của hội là tiếp tục phối hợp với Phòng LĐTB-XH huyện chọn ra những hộ nghèo để vận động các hộ khá, giàu giúp vốn làm ăn, hỗ trợ thoát nghèo một cách bền vững”.
Mô hình “3 trong 1” đã từng bước có những tác động sâu sắc về nhận thức, kích thích sự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đối với hộ nghèo và phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng…