Ấm lòng lúc khó khăn
Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh Dương Thanh Điền, chị Lê Thị Chi (cư trú tại Khu lưu trú Văn hóa số 7, số 1231/13 tỉnh lộ 43, khu phố 2, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM) sống nhờ vào túi gạo, bó rau, vỉ trứng do chính quyền, các đoàn thể, các nhà hảo tâm tặng.
Anh Điền là thợ cơ khí tự do, không ký hợp đồng lao động, không có BHXH, BHYT. Còn chị Chi làm công nhân may tại Công ty TNHH Sprinta ở KCX Linh Trung 2 (TP Thủ Đức). Trong suốt 4 tháng dịch bệnh, không có việc làm, không có thu nhập, vợ chồng chị đành gửi 2 con nhỏ (11 tuổi và 4 tuổi) về quê cho dì ở tỉnh Hậu Giang giữ giúp.
Thấu hiểu những khó khăn của vợ chồng anh Điền, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM đã trao “Căn phòng mơ ước” giúp vợ chồng anh giảm bớt lo toan, bằng việc vận động một nhà hảo tâm hỗ trợ 1 năm thuê nhà cho vợ chồng anh (khoảng 20 triệu đồng). “Đỡ tiền thuê nhà là đỡ gánh nặng với gia đình tôi. Hai vợ chồng sẽ cố gắng làm để gửi tiền về quê lo cho con”, chị Chi bộc bạch.
Mới đây, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhí và chị Nguyễn Thị Bích Thủy, lao động tự do (ngụ 32/4B ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) cũng được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM tặng “Căn phòng mơ ước” trị giá gần 20 triệu đồng. Đầu năm 2020, anh Nhí bị tai biến phải nhập viện, gia đình rơi vào khó khăn vì không có tiền chạy chữa, thuốc thang, chị Thủy tạm nghỉ việc để vào bệnh viện chăm anh.
Trước hoàn cảnh gia đình anh, cả xóm trọ mỗi người góp một ít để giúp vợ chồng anh vượt qua cơn khốn khó. Anh Nhí tâm sự: “Cũng may có mọi người giúp đỡ, tôi vượt qua cơn nguy hiểm. An lòng hơn khi được hỗ trợ tiền thuê nhà miễn phí 1 năm”.
Ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM, cho biết, trong năm 2021, trung tâm đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để trao 8 “Căn phòng mơ ước” cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo, bị mất việc làm vì dịch Covid-19… với tổng số tiền 160 triệu đồng. Các “Căn phòng mơ ước” giúp vơi đi gánh nặng về chi phí thuê nhà, giúp thanh niên công nhân an tâm lao động và phấn đấu trong cuộc sống.
Niềm vui trong căn nhà mới
Trong căn nhà mới với tường gạch men còn thơm mùi sơn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hồng, công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Hai Thanh (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) ngỡ như đang mơ. Gia đình chị Hồng là một trong nhiều công nhân vừa được Công đoàn các KCX-KCN TPHCM trao tặng “Mái ấm Công đoàn”.
Chị Hồng làm công nhân hơn 20 năm, chồng chị là công nhân làm việc tại KCN Long Hậu (tỉnh Long An). Vợ chồng chị lấy nhau hơn 13 năm, có một con gái 8 tuổi và đang sống cùng mẹ chồng.
Qua thời gian, căn nhà nhỏ gia đình chị đang sống tại quận 8 (TPHCM) xuống cấp trầm trọng, nhưng với đồng lương công nhân ít ỏi, hai vợ chồng không thể sửa chữa nhà. Từ sự vận động của Công đoàn các KCX-KCN TPHCM, Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Hai Thanh hỗ trợ 70 triệu đồng, cộng với anh chị em trong gia đình cho thêm 130 triệu đồng, vợ chồng chị Hồng đã sửa chữa lại toàn bộ căn nhà.
“Vậy là gia đình tôi không phải lo những ngày mưa gió thức đêm lấy thau hứng nước. Tết này sẽ là cái tết vui, vì gia đình được quây quần trong căn nhà mới”, chị Hồng bày tỏ.
Mới đây, Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh cùng Công đoàn cơ sở Khối Trường học tổ chức trao tặng “Mái ấm Công đoàn” cho chị Nguyễn Thị Thắm, đoàn viên Trường Tiểu học Bình Lợi Trung, đang gặp khó khăn về nhà ở. Mái ấm của chị Thắm được cải tạo với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Trong đó, đoàn viên Công đoàn 11 trường thành viên trong cụm đóng góp 50 triệu đồng, gia đình vay mượn 100 triệu đồng để cùng sửa chữa.
Trước đây, căn nhà xuống cấp, ẩm thấp, thường xuyên ngập và dột mưa. Hoàn cảnh chị Thắm rất khó khăn, thu nhập thấp nên chỉ lo được cái ăn hàng ngày và nuôi con đang tuổi ăn học. Nhận được căn nhà mới, chị Thắm hạnh phúc xen lẫn xúc động, cảm ơn tổ chức công đoàn các cấp, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp gia đình chị có căn nhà tươm tất.
Ngày nhận nhà, chị Thắm vui mừng chia sẻ: “Khi có được mái ấm khang trang, cả gia đình ổn định, tôi không còn nỗi lo sợ mỗi khi mưa dông đến. Bản thân tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong công việc, lao động, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình với nhà trường”.