1. Chị Minh Phượng (quận 10) có hai con, con gái lớn học lớp 8, con trai nhỏ năm nay vào lớp 1. Trong khi cô con gái lớn khá ổn với những giờ lên lớp online cùng giáo viên, thì việc học của cậu con trai nhỏ vừa “tốt nghiệp” mẫu giáo khiến chị Phượng “rối não”. Ngay từ bữa làm quen đầu tiên, bé ngồi cả giờ với giáo viên để làm quen với cô và bạn, mệt mỏi ra mặt vì không quen. Rồi nghe lời dỗ dành của mẹ, bé “gồng mình” ngồi đến hết buổi.
Buổi học online tiếp theo, chị Phượng ngồi suốt 2 giờ cùng bé học với cô. Chị cảm nhận, bản thân người lớn ngồi liên tục nhiều giờ trước màn hình máy laptop như thế còn thấy oải, huống chi mấy đứa nhỏ. Rồi chị nghĩ, có không ít gia đình không có máy vi tính, laptop; phụ huynh và các bé phải căng mắt nhìn vào màn hình nhỏ xíu của chiếc điện thoại, còn bất tiện hơn; thôi thì hai mẹ con cùng ráng một chút… Thế nhưng, không phải buổi học nào cũng suôn sẻ. Thằng bé lúc mới vào học thì hào hứng được hơn nửa giờ là bắt đầu kiếm trò vui cho đỡ buồn. Bé nghịch cây viết, lăn cục gôm, đưa mặt vô sát màn hình, ngồi rung chân, xoay ngang, xoay dọc, nghiêng bên trái, bên phải, ngửa người ra sau, xải lai hai chân hai tay rồi nằm dài trên bàn… đủ trò nhí nhố. Mẹ ngồi bên cạnh phải nhắc chừng con ngồi đàng hoàng lại, tập trung nghe cô dạy.
Sau một hồi bị chị Phượng nhắc nhở, nghiêm mặt rầy la nhiều lần, bé phụng phịu chịu ngồi im, nhưng chỉ được một lúc rồi lại quay sang hỏi một loạt câu hỏi: “Sao cô cho con học lâu quá vậy mẹ?”, “Mẹ ơi, con mệt rồi, giờ con nghỉ được không?”, “Con muốn bú sữa liền bây giờ được chưa mẹ?”…
Đến giờ tập viết, rèn chữ theo clip cô gửi. Chị Phượng càng căng thẳng với con. Cùng con viết những nét cơ bản đầu tiên mà chị Phượng muốn chóng mặt. Ngồi kèm cặp con, lúc thì chị dỗ ngọt, lúc nổi xung thiên la rầy vì con cứ viết sai, bôi sửa nhiều lần. Bé con biết mẹ không vui, cứ liến thoắng: “Dạ, dạ, tại Bi không biết”, “Dạ, tại Bi hổng quen”, “Dạ, tại lâu quá Bi hổng có đi học”, “Dạ, Bi xin lỗi mẹ, Bi biết lỗi rồi, để Bi viết lại”…
Học viết mấy nét thôi mà đôi lúc hai mẹ con phải dừng giữa chừng để giải lao vì con uể oải, mắt rưng rưng. Thấy con cũng có cố gắng nên mỗi lần như vậy, tâm chị Phượng cũng chùng lại. Chị hiểu, việc học với con hiện nay thật quá mới và có nhiều khó khăn, vậy nên chị cần phải nhẹ nhàng kể cả dỗ ngọt, để con có động lực và niềm vui khi học cùng mẹ, ráng hoàn thành bài viết cô cho mỗi ngày.
2. Cùng nỗi niềm dạy cho học online năm đầu cấp 1, chị Thi Tâm (quận 11) chia sẻ: “Dạy con học online theo cô mà riết rồi mẹ với dì như hai bà “phù thủy” vậy. Ngày nào học, rèn chữ viết là mẹ và dì cứ phải gào thét con ngồi yên, tập trung viết chữ, tập trung nghe cô giảng. Với việc học, tụi nhỏ không sợ phụ huynh mà chỉ sợ cô giáo thôi, nên nhiều khi mình nói, dạy, con hay cãi lại”. Tính tình bé Tuấn Huy (con chị Tâm) khá hiếu động, ít chịu ngồi yên một chỗ nên giờ buộc phải ngồi vài giờ học cùng cô, rèn chữ cùng mẹ và dì, nên có thái độ phản kháng khá mạnh. Vậy là hầu như cứ tới giờ học online với cô, đến giờ rèn chữ là nhà cửa lại rầm rầm tiếng mẹ, tiếng dì la bé.
Anh Minh Tâm (quận 6) cũng đau đầu với chuyện học online của bé Minh Tuấn. Anh kể: “Hồi học lớp lá, con chỉ có chơi với cô và bạn, học viết chữ hay Anh văn cũng như trò vui, học cho biết thôi. Giờ chính thức vào lớp 1, con chưa thích nghi được nên cứ đòi nghỉ học để xem ti vi. Mỗi giờ lên lớp học online với cô A, hay kêu con vào bàn ngồi rèn chữ, tôi cứ phải thủ sẵn cây roi mây để con thấy mà chịu ngồi vào bàn học. Thương con lắm chứ, cũng muốn con vui chơi nhiều hơn, nhưng đến giờ học thì con phải học trước đã. Tôi cũng dụ con, nếu học ngoan sẽ được thưởng. Sau khi dịch được khống chế, người dân được đi ra đường, con sẽ được chở đến tiệm đồ chơi để chọn món con thích”.
Anh Kiến Bằng (quận 7) thì cho biết: “Sau nhiều buổi học của cô con gái 7 tuổi, cả nhà đành ăn mì gói thay cơm. Vì mẹ bé còn phải lo đứa nhỏ 3 tuổi, tôi thì ngồi học với con từ sáng đến trưa, có làm được việc gì khác đâu”.
Chuyện học online của các bé nhỏ còn vô vàn vấn đề khó khăn. Có lúc mạng yếu, đường truyền đứt quãng, tiếng cô - trò lúc nghe được lúc không; mạng bị giật, lắc, phụ huynh và con bị “đá” ra khỏi phòng học online rồi vào lại không được; thời gian học không đủ để cô kêu tên hết toàn bộ các con trong lớp học phát biểu (con phát biểu được cô tặng ngôi sao) nên có con khóc thút thít với mẹ, chất vấn: “Sao cô không kêu con vậy mẹ?”…
Những khó khăn buổi ban đầu vẫn còn đó, ít nhiều đang tạo thêm áp lực cho phụ huynh và cả các con. Thế nhưng, vì tình hình dịch bệnh còn có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm nên việc học online là cách dạy và học tạm thời để duy trì việc học cho học sinh, vậy nên phụ huynh và các con cũng đành cố gắng. Chỉ mong sao, các con sẽ hạnh phúc và thoải mái hơn khi được cắp sách đến trường đúng nghĩa, khi dịch bệnh được kiểm soát. Và là bậc làm cha mẹ, thôi cũng ráng chịu khó, chứ biết sao giờ!