Cùng lúc, những cú sốc bên ngoài từ đại dịch đến xung đột quân sự, năng lượng, thương mại va đập với những hệ lụy tích tụ trong nội tại của thành phố qua 10 năm; cả thế giới và khu vực bước vào thời suy giảm của chu kỳ kinh doanh trước khi dự kiến khả năng phục hồi trong năm 2024-2025, Việt Nam đã chọn “điểm rơi” ưu tiên chống dịch, chống tham nhũng và chấn chỉnh các “mũi nhọn” ngân hàng, trái phiếu, bất động sản để từ đó tái lập môi trường vận hành chính sách và kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, cân bằng, bền vững.
TPHCM, sau những “sang chấn” trực tiếp lẫn gián tiếp đã phản ánh một thực tế chậm - trễ (về các chỉ số, mục tiêu nền tảng phát triển, kinh tế - sản xuất) và chắc (về ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội). Điểm lại 26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2020-2025, nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt, bao gồm: cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, an toàn - an ninh; một số chỉ tiêu còn phụ thuộc nhiều yếu tố của thời gian còn lại như chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh tế số, gia tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, đầu tư khoa học - công nghệ, hạ tầng giao thông, nhà ở, khả năng đáp ứng nhu cầu y tế, giáo dục và sự hài lòng của người dân. Và một số chỉ tiêu nằm trong nhóm khả năng không đạt liên quan đến kết quả vĩ mô: tốc độ tăng trưởng, GDP/đầu người, vốn đầu tư xã hội, việc làm và lao động qua đào tạo, xóa đói giảm nghèo, xử lý rác thải bằng công nghệ mới và tăng tỷ suất sinh.
Dù vậy, tiến độ thực hiện 4 chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025 (gồm 3 Chương trình đột phá và 1 Chương trình trọng điểm) lại xúc tiến khá trôi chảy, điển hình có 45/49 chương trình, đề án (đạt 91,8%) đã hoàn thành giai đoạn xây dựng, được ban hành quyết định phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai và tổ chức triển khai thực hiện theo quyết định được phê duyệt (hoặc trình đề án để Trung ương phê duyệt).
Với nền tảng “thể lực” nói trên, khi bước vào giai đoạn chuyển biến tích cực của chu kỳ kinh tế toàn cầu cộng với các độ mở chính sách đến từ các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 24, 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ thúc đẩy cú tăng tốc từ giữa nhiệm kỳ còn lại trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, trước khi tiếp đích.
Với những hướng giải pháp chiến lược đã được các nghị quyết quan trọng của Trung ương khẳng định về tái cấu trúc kinh tế thành phố với 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ chủ chốt; tái định vị vai trò nông nghiệp - nông thôn và các ngành - mô hình kinh doanh mới (kinh tế xanh và kinh tế số) của thành phố; điều chỉnh và xây dựng quy hoạch - phát triển không gian thành phố theo các định hướng đa trung tâm, khai thác theo mô hình TOD, định hướng lại các khu chế xuất - khu công nghiệp…; xác định rõ phát triển văn hóa là trụ cột để phát triển bền vững, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực là lực lượng - động lực phát triển mới, tập trung cho mục tiêu xây dựng đồng thuận xã hội lâu dài, bền vững.
Cùng với các nhiệm vụ mang tính trước mắt: Từ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hoàn thiện các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đã khởi công như Vành đai 3 TPHCM, Tham Lương - Bến Cát; tập trung phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ gắn với thị trường du lịch khách quốc tế đang phục hồi, trong đó khai thác các nhóm dịch vụ mới từ sông Sài Gòn - kinh tế đêm; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội, trong đó trọng tâm trọng điểm 2023-2025 tập trung các dự án ưu tiên tác động ngay đến nền kinh tế, an sinh xã hội; và tiếp cận làm rõ mục tiêu, trụ cột, các chính sách quan trọng của các mô hình kinh doanh mới đang là xu thế, và tiềm năng cho phát triển bền vững của thành phố.
Tiếp tục củng cố và tăng tốc cho thời gian tới là tất yếu, không phải chỉ là nửa chặng đường còn lại của nhiệm kỳ, mà còn hướng đến tính bền vững trong tương lai!