Trong tổng số 575 triệu USD vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (cả cấp mới và tăng thêm), thị trường Mỹ đã thu hút 302,8 triệu USD, chiếm tới 52,7%. Vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh chủ yếu do có dự án của Tập đoàn Vingroup tại Mỹ (tăng 300 triệu USD).
Ở chiều ngược lại, Mỹ chưa đứng trong tốp 10 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, bất chấp việc rất nhiều tên tuổi lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, như Intel, Microsoft, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS… Dự kiến năm 2021, người Mỹ bỏ ra khoảng 40 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, song sẽ chỉ có khoảng trên dưới 10 tỷ USD được các nhà đầu tư Mỹ rót vào nước ta. Với lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn, có tư duy kinh doanh năng động, cộng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ là cơ sở để Việt Nam kỳ vọng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư Mỹ. Thế nhưng, kết quả cũng chưa như mong đợi.
Một số tín hiệu được ghi nhận từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã củng cố thêm hy vọng. Ngay trước thềm chuyến thăm, ngày 23-8, Tập đoàn Boeing, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, đã công bố mở văn phòng tại Hà Nội. Trước đó, cuối tháng 7-2021, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) đã gửi thư đề nghị Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường phân phối vaccine cho Việt Nam và các đối tác quan trọng khác. Đáng lưu ý là trong thư thỉnh nguyện này, ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AAFA, viết: “Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất giày dép đang phát triển nhanh chóng của Mỹ. Thành công của chúng ta phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam”. Vẫn theo thông tin từ bức thư, Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng dệt may, giày dép lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, chiếm 20% tổng lượng hàng xuất khẩu.
Tất nhiên, sự ấm áp của các quan hệ chính trị, ngoại giao luôn là chất xúc tác mạnh mẽ đối với hoạt động đầu tư, nhưng điểm cốt lõi đối với các doanh nhân khi quyết định “xuống vốn” vẫn phải là khả năng sinh lợi từ thị trường. Ông Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Thái Lan và Việt Nam, cho biết, nhà đầu tư Mỹ mong đợi Chính phủ Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm 2021, tạo đà thúc đẩy hơn nữa cho thương mại của Việt Nam với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. UPS là một trong những công ty Mỹ đã có mặt và đồng hành cùng Việt Nam trong hơn 25 năm qua, ngay từ thời điểm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, bà Winnie Wong, thì thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ kinh tế đáng kể, song nhiều người Việt Nam vẫn chưa có tiền gửi ngân hàng, hoặc không được tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ tài chính…
Giới quan sát đều cho rằng, nhìn ở mọi khía cạnh, Việt Nam vẫn có triển vọng tốt trong thu hút FDI nói chung và từ Mỹ nói riêng. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam không phải điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. Ngay cả quyết định của Boeing cũng cho thấy điều này: đồng thời với văn phòng đại diện mới tại Việt Nam, Boeing còn lập cả văn phòng đại diện tại Jakarta (Indonesia)! Để có thể vượt lên trước trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư, có 3 điều cốt lõi trong quyết định đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư Mỹ (tương tự như các nhà đầu tư “khó tính” từ châu Âu). Đó là quyền sở hữu trí tuệ; tính minh bạch; mức độ ổn định của hệ thống pháp luật về chính sách đầu tư.
Rõ ràng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, không chỉ cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, mà cả trong quan hệ đầu tư với Mỹ - nền kinh tế mà Việt Nam muốn xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác đầu tư.