Tham gia thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16-10 về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phân tích, trong những tháng đầu năm 2023, về tổng thể thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi, các chỉ tiêu được Quốc hội giao dự kiến đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động vẫn tồn tại.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh |
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh lưu ý, việc Bộ LĐTB-XH chậm trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42 về điều chỉnh lương hưu trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, dẫn đến việc chi trả chậm so với nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm tuy đạt và vượt mục tiêu Quốc hội giao, nhưng chưa thực sự bền vững, kết quả giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023 khá thấp…
Các thành viên Chính phủ dự họp |
Tham gia thảo luận về chất lượng tăng trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận định, điều đáng băn khoăn là chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội lại tiếp tục không đạt.
“Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định năng suất. Trong 3 trụ cột quyết định tăng trưởng, thể chế và hạ tầng đang rất tốt, nhưng khâu thứ 3 - nhân lực - chưa thấy đột phá rõ nét và chưa được quan tâm đúng mức”, ông Lê Quang Huy phát biểu.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Việc điều chỉnh tiền lương gắn với nâng cao trách nhiệm và chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ công chức. Đây là yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy cải thiện năng suất lao động xã hội. “Doanh nghiệp đổi mới nhiều, bộ máy hành chính đổi mới nhiều, nhưng khối đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều việc phải làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thẳng thắn nhận định.
Quang cảnh phiên họp |
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện cấp xã, dự kiến có 35 huyện và trên 1.000 xã thuộc diện sắp xếp. Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai, nhưng qua báo cáo cho thấy một số địa phương đang chậm. Do đó, cần đôn đốc đẩy mạnh, giám sát, quán triệt bảo đảm trong quý 3 phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm triển khai thực hiện, không làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như công tác kiện toàn bộ máy nhiệm kỳ tới”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.