Tại hội nghị đánh giá tác động sau 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nhìn nhận, quyết tâm và chỉ đạo kiên quyết, liên tục, kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của một số bộ, ngành, địa phương đã tháo gỡ nhiều rào cản về thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương đã duy trì và đi vào thực chất các hội nghị đối thoại với DN về cải cách thủ tục hành chính. Tại các hội nghị này, có những vướng mắc kéo dài nhiều năm, gây tổn thất về thời gian và chi phí của DN đã được giải quyết ngay, lấy lại niềm tin và sự hứng khởi kinh doanh cho DN. Nhiều địa phương đã có những sáng kiến, giải pháp thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, với việc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động hỗ trợ DNNVV, những kết quả năm 2018 đáng ghi nhận và trân trọng”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu.
Dù vậy, ông Nguyễn Văn Thân cũng bày tỏ trăn trở khi cho rằng, cộng đồng DN nói chung, DNNVV nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trên bước đường làm ăn chân chính. Điều này đặt ra câu hỏi môi trường kinh doanh cho DN, hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực sự thuận lợi chưa, đã đi vào thực chất chưa?…
Với vai trò “trợ lý” của Chính phủ về hỗ trợ DNNVV, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), thẳng thắn nhận định, vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương khá lúng túng trong việc xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV. Thực tế, mới có khoảng 20 địa phương phê duyệt đề án, kế hoạch và chỉ có một số địa phương bố trí được ngân sách để thực hiện. Các bộ chưa xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực ngành quản lý.
Một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, mặt bằng sản xuất… đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng để triển khai thực hiện vẫn cần phải được quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Một ví dụ khá điển hình là chính sách hỗ trợ cho DN siêu nhỏ về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán chưa được cụ thể hóa và triển khai trên thực tế. Trong khi đó, theo phản ánh của địa phương và báo cáo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), rào cản lớn nhất hiện nay khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển sang doanh nghiệp chính là chính sách thuế và chế độ thuế, kế toán, thanh kiểm tra quá phức tạp.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ DNNVV đã khởi động, nhưng các DN rất khó khăn khi tiếp cận quỹ này, thậm chí không vay được vốn. Chủ tịch Hội nữ DNNVV TP Hà Nội Mai Thị Thùy “than thở” về một câu chuyện nan giải khác: Thiếu lao động có tay nghề, trong khi các trung tâm đào tạo nghề dạy quá nhiều lý thuyết mà ít thực hành. Khi ra trường, người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc, nên DN phải đào tạo lại. Đào tạo xong, có khi họ lại bỏ sang chỗ làm việc mới.
Một chủ DN phản ánh một số chính sách trong lĩnh vực tín dụng cũng đã trói tay trói chân DN. Vị này diễn giải, một DN nếu chẳng may gặp rủi ro trong hoạt động, dù trước đó họ đang làm ăn rất tốt, lập tức ngân hàng sẽ không cho vay nữa. Và như thế, DN đã khó càng khó hơn, không có cơ hội tiếp tục sản xuất kinh doanh hồi phục. Thận trọng là đúng, nhưng cũng không nên quá cứng nhắc…
Chắc chắn, cần có thêm thời gian để đánh giá đầy đủ hơn về tác động Luật Hỗ trợ DNNVV. Việt Nam có trên 90% DNNVV, nghĩa là diện cần hỗ trợ quá rộng, trong khi nguồn ngân sách còn eo hẹp. Hỗ trợ bằng ưu đãi thuế, phí cũng có hạn. Huy động các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là trong trường hợp ươm tạo các DN khởi nghiệp cũng là một giải pháp quan trọng, nhưng phải tuân theo tiếng gọi của thị trường, chứ không thể chỉ trông chờ vào hảo tâm, bởi lẽ khi các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì họ phải nhìn thấy, hoặc ít nhất là có thể kỳ vọng thu được lợi ích trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng để ngay trong những ngày đầu năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Quyết tâm của Chính phủ nhằm cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho DN đã được khẳng định mạnh mẽ, song bản thân các DN cũng phải tự nâng cao năng lực, chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh.