Theo báo cáo thống kê của Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam về thị trường TPDN, trong tháng 4 lượng phát hành TPDN mới tăng 4% so với tháng 3, tổng giá trị phát hành đạt 17.700 tỷ đồng. Các tiêu chí đánh giá thị trường TPDN cũng có dấu hiệu khả quan. Tỷ lệ TPDN rủi ro và trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc và lãi phát sinh đều giảm. Tương tự, một báo cáo khác của đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cũng cho thấy tín hiệu “ấm lại” của thị trường TPDN.
Tuy nhiên, các báo cáo có chung nhận định: áp lực trả nợ đối với nhóm các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và năm tới vẫn còn nặng nề, đặc biệt là đối với các trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022, 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ để kéo dài sang năm nay. Chỉ tính riêng trong tháng 5-2024 đã có 28 mã trái phiếu thuộc 24 tổ chức phát hành với trị giá 15.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn, nhưng trong đó, ước tính có khoảng 4.700 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ đến hạn.
Thực tế trên đòi hỏi cần phải có khâu tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm. Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành (triển khai đầy đủ từ ngày 1-1-2024) được xem là đã bước đầu khắc phục được hạn chế này.
Hiệu quả tích cực là nếu như trước đây, các nhà đầu tư hầu như chỉ quan tâm đến lãi suất trái phiếu như thế nào, tên tuổi đơn vị phát hành trái phiếu ra sao mà ít để ý đến chất lượng tín dụng, khả năng trả nợ gốc/lãi đúng hạn của tổ chức phát hành, thì Nghị định 65 yêu cầu phải xếp hạng tín nhiệm, qua đó nhà đầu tư sẽ có thêm một nguồn thông tin bổ sung quan trọng khi đánh giá về các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn và thường hạn chế công bố thông tin ra bên ngoài.
Mặt khác, các công ty xếp hạng cũng phải tuân thủ những điều kiện cần thiết để đáp ứng được tiêu chí khách quan, minh bạch, trung thực, tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Các công ty xếp hạng cũng cần phải trải qua thời gian và được thị trường chấp nhận, tin cậy.
Một vấn đề quan trọng nữa, đó là nhóm doanh nghiệp phát hành là các doanh nghiệp bất động sản - đối tượng chính đang chịu áp lực đáo hạn để trả nợ, cần xây dựng phương án tái cơ cấu, tái cấu trúc các sản phẩm bất động sản sao cho đáp ứng các nhu cầu thực của thị trường và nền kinh tế, từ đó đẩy nhanh thanh khoản, có tiền để trả nợ.
Rõ ràng thị trường TPDN chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi niềm tin của thị trường được vực dậy. Khi kênh huy động vốn quan trọng này của doanh nghiệp khởi sắc sẽ góp sức cho nền kinh tế tăng trưởng tốt, bởi đầu tư tư nhân tham gia san sẻ “gánh nặng” cùng với đầu tư công của Nhà nước.