Đó là phải thích nghi về tri thức ứng dụng công nghệ mới trong tác nghiệp, thay đổi về phương thức khai thác dữ liệu, truyền tin. Đó còn là những thách thức đặt ra khi Internet, mạng xã hội đang xóa nhòa các ranh giới về địa lý cũng như văn hóa và ngày càng có sức tác động to lớn đến nhận thức, cách tiếp cận thông tin của công chúng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định, báo chí trong thời đại mới gắn rất chặt với truyền thông số; nếu tụt hậu, không tiến kịp thì chính báo chí chúng ta sẽ đi sau mạng xã hội. Nguy cơ tụt hậu so với mạng xã hội là điều đang hiện hữu đối với báo chí không chỉ của Việt Nam và trên toàn thế giới hiện nay.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay gọi cách khác là cách mạng số hiện nay đang có sự tác động mạnh mẽ đến báo chí truyền thống và báo chí ngày nay gắn chặt với truyền thông xã hội, truyền thông số. Cách mạng số đã xóa nhòa mọi ranh giới với hàng tỷ người sử dụng smartphone, kết nối không giới hạn. Thông tin lan tỏa nhanh và rộng, có sự tương tác mạnh mẽ thông qua việc sử dụng smartphone. Theo nghiên cứu, việc sử dụng smartphone từ năm 2013 đến năm 2016, tại Thụy Điển tăng 69%, Hàn Quốc tăng 66%, Na Uy tăng 64%, Đan Mạch tăng 60%... Xu hướng ngày nay người đọc tin bằng smartphone ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, với trên 92 triệu dân, trên 48 triệu người đã dùng Internet. Gần 130 triệu thuê bao điện thoại (tương đương 145% dân số). Dự báo đến năm 2021, tỷ lệ dùng smartphone sẽ còn tăng gấp 3 lần dân số. Sự tác động mạnh của công nghệ dẫn đến nhu cầu sử dụng thông tin, thiết bị cũng có sự thay đổi. Thực tế này cũng tác động sâu sắc đến nguồn nhân lực, cách thức hành nghề báo chí.
Với môi trường mở như hiện nay, sự tiếp cận dữ liệu nhanh chóng khiến thông tin riêng tư dễ bị lộ lọt nhiều, ảnh hưởng đến các cá nhân, thậm chí, việc chia sẻ thông tin cũng có thể không có kiểm soát. Nhìn một cách trực diện, báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ tôn chỉ mục đích nhưng phải đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng? Phải làm gì khi mạng xã hội đã và đang trở thành một đối thủ “đáng gờm” của báo chí truyền thống?... Đặc biệt hơn, phải ứng xử thế nào khi báo chí bị tác động, chi phối bởi doanh nghiệp, sai phạm ngày càng tinh vi, có chủ đích. Trong những năm qua, vấn đề vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo luôn là chủ đề được dư luận xã hội, đặc biệt là các cấp hội cũng như các cơ quan báo chí quan tâm. Những biểu hiện tiêu cực về đạo đức báo chí không những không thuyên giảm, mà đang có xu hướng tăng lên, gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với báo chí và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, đã và đang xuất hiện một số người làm báo lạm dụng quyền hạn nghề báo, bất chấp đạo đức nghề nghiệp để háo danh, trục lợi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín báo giới và gây mất niềm tin trong công chúng, xã hội.
Nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng, hiện nay không ít người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích cơ quan mình làm việc, nhận lương của báo này nhưng làm cho báo khác là chính. Đáng quan tâm là nhận thức chưa đúng về tự do ngôn luận, phát ngôn thiếu thận trọng, sử dụng không kiểm tra nguồn tin từ mạng xã hội. Từ tháng 1-2017, 2 văn bản hết sức quan trọng đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam chính thức có hiệu lực. Đó là Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Theo nhà báo Phan Quang, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí cũng là sản phẩm của quá trình đổi mới và nếu thực hiện đúng, đầy đủ, thì chúng ta sẽ hạn chế được những tiêu cực, mặt trái; đồng thời phát huy được sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Thời gian qua, nhất là trong năm 2016, nhiều cơ quan báo chí và nhà báo đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, thu hồi thẻ nhà báo, bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự sa sút đạo đức nghề nghiệp rất đáng báo động và không thể xem thường.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ TT-TT không lấy việc xử lý, xử phạt báo chí để làm thành tích. Đây là việc làm để đưa báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Trên cơ sở đó, sẽ phải tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên hoạt động đúng pháp luật. Bộ TT-TT sẽ tập trung bảo vệ, ủng hộ những cơ quan báo chí, nhà báo trong sạch, làm tốt; phê phán, xử lý nghiêm những cơ quan báo chí, nhà báo sai trái, vi phạm pháp luật. Tất cả để củng cố lòng tin của nhân dân, của bạn đọc đối với nền báo chí nước nhà!