Nhịp sống yên bình ở TPHCM đã trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; kinh tế - xã hội đang phục hồi nhanh. Số ca mắc mới mỗi ngày giảm sâu, hiện chỉ còn khoảng 30-50 trường hợp, số trường hợp cần nằm viện giảm còn khoảng 200 trường hợp.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống cùng với việc đã bị mắc Covid-19, nhiều người có tâm lý ngại tiêm các mũi vaccine nhắc lại và mũi tăng cường. Điều này hoàn toàn không đúng và sẽ gặp nguy hiểm nếu tình trạng miễn dịch đã giảm sút, nhất là những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, người trên 50 tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em và những ai làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ tái nhiễm.
Kể từ mũi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại TPHCM vào ngày 8-3-2021, đến nay thành phố đã tiêm gần 21 triệu liều. Tuy nhiên, cũng giống như các loại vaccine khác, hiệu quả bảo vệ cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, do đó việc tiêm nhắc lại là rất quan trọng và mang ý nghĩa quyết định cho sự ổn định lâu dài khi mầm bệnh vẫn còn hiện hữu trong cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng dự đoán, đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022, nhưng đánh giá mới nhất của WHO đến thời điểm hiện tại là “đại dịch chưa kết thúc” và thường xuyên đưa ra các báo cáo diễn biến dịch, sự biến đổi, tiến hóa của virus SARS-CoV-2.
Trước đây, các giám sát cho thấy, SARS-CoV-2 thường biến đổi, xuất hiện chủng mới sau khoảng 3 - 4 tháng. Với biến thể Omicron đã có 2 biến thể phụ. Sự tiến hóa của virus này là không lường trước được.
Nhiều ý kiến nhận định, có khả năng có thể xuất hiện những làn sóng với những biến chủng mới. Trong khi miễn dịch có thể giảm thấp theo thời gian. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai mũi tiêm thứ 4 vaccine Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới.
Dù nước ta chưa có quy định về tiêm chủng bắt buộc với vaccine Covid-19, nhưng để duy trì miễn dịch bền vững, các chuyên gia y tế cho rằng cần tiêm các mũi nhắc lại, mũi bổ sung như khuyến cáo. Đây là cơ hội để người dân củng cố thêm “lá chắn” phòng bệnh cho bản thân, hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc mới hoặc tái mắc Covid-19 và tiếp tục duy trì miễn dịch cho cộng đồng.