Báo cáo tình hình kinh tế quý 1-2022 cho thấy, GDP quý 1 đạt mức tăng 5,03% (nằm trong khoảng mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là từ 4,9 đến 5,3%), cao hơn tốc độ tăng của quý 1 năm 2020 và 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 7,79%, cho thấy đà hồi phục sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Trong quý 1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, bình quân quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021, chưa thực sự đáng ngại.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, mức tăng GDP vẫn chưa quay về như trước đại dịch. Mức tăng của ngành chế biến, chế tạo vẫn khiêm tốn so với mức tăng cùng kỳ lên tới 13,56% (năm 2018) và 8,86% (năm 2019).
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-3-2022 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Vẫn biết sức hấp thụ vốn của thị trường luôn thấp hơn vốn đăng ký, song mức giảm 12,1% cho thấy, để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Đến hẹn lại lên, các tổ chức nghiên cứu và định chế tài chính quốc tế đã và đang lần lượt đưa ra các bản đánh giá và dự báo tình hình quý tới. Dù định lượng có thể khác nhau, song điểm chung là, nếu không có biến động quá bất thường, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 2 và quý 3 sẽ cao hơn so với quý 1, thậm chí cao hơn khá nhiều, một phần do đặt trên một mức “nền” thấp hoặc âm trong 2 năm 2020 và 2021. Phần khác, thông thường, các đơn hàng và hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ tăng mạnh hơn vào các quý cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Đáng lưu ý, sau hơn 3 năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru… Bên cạnh những thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, các khu vực khác như Mỹ Latinh hoặc khu vực châu Đại Dương cũng đều có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng đạt mức hai con số.
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu, để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, doanh nghiệp được khuyến nghị tìm hiểu kỹ quy tắc xuất xứ của CPTPP (tương đối phức tạp, có sự khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do khác), từ đó điều chỉnh sản xuất để được hưởng ưu đãi.
Trong khi Việt Nam đã có điều kiện cần để hoạt động kinh tế vận hành đúng quy luật - tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát với tỷ lệ phủ vaccine cao, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong thấp - thì điều kiện đủ là bản lĩnh điều hành của Chính phủ theo hướng kiên định mở cửa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phục hồi sản xuất, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến giá cả để đảm bảo đời sống của nhân dân được cải thiện thực chất.
Nhìn xa hơn, cần lưu ý rằng để phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, Quốc hội đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, Nghị quyết 43/2022/QH15 (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) vẫn yêu cầu phải giữ được chỉ tiêu nợ công cho cả giai đoạn 2021-2025 không quá 3,7% GDP. Để hoàn thành được mục tiêu này, các cấp, các ngành cần có kế hoạch, định hướng chi tiêu ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt phải tuân thủ kỷ luật ngân sách.