Nhà văn Lê Quang Trạng:
Có nhiều quyển sách mình đọc xong rồi vẫn muốn đọc lại thêm một hoặc nhiều lần nữa vào những dịp “đặc biệt”, mà đôi khi mỗi lần đọc lại, lại mang đến một cảm xúc mới. Năm nay, tôi đã đọc tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Tập thơ đã được in khá lâu, từng đoạt giải Bạc - Giải thưởng Sách Quốc gia và vừa được tái bản với nhiều tranh minh họa mới toanh và xinh xắn. Tôi chọn đọc lại quyển sách này trong những ngày tết bởi sự trong trẻo của những bài thơ, với những góc nhìn ngộ nghĩnh, không chỉ mang đến cho các em thiếu nhi sự thích thú mà cũng mang đến cho người lớn sự thú vị, không khỏi bật cười sau những chi tiết đầy ngộ nghĩnh.
Tập thơ mở ra cho chúng ta những hình ảnh mà ắt hẳn trong tâm thức tuổi thơ sâu lắng, người lớn nào cũng từng thầm thì với chính mình như thế. Nhà thơ Cao Xuân Sơn đã không để thời gian xóa nhòa đi, ông cất giữ và nâng niu những hình ảnh ấy như đứa trẻ nâng niu đồ chơi, và nay lại đưa chúng vào trang thơ như trao thứ báu vật tuổi thơ đến cho bạn đọc. Khởi đầu một năm là sự tươi xanh, khởi đầu 365 ngày đọc sách bằng một tập thơ thiếu nhi đầy cảm xúc vui tươi như vậy, quả là một sự khởi đầu nhiều ý nghĩa.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa:
Cuốn sách tôi chắc chắn sẽ đọc trong những ngày đầu năm mới này là Hùm Xám qua sông của Bùi Tiểu Quyên, một bạn văn cùng lứa 8X. Thật ra, là đọc lại. Vì tôi đã đọc tác phẩm này từ dạo sách mới được phát hành vào cuối năm ngoái. Sau tác phẩm đầu tiên tạo được nhiều tiếng vang - Cà Nóng chu du Trường Sa, tôi vẫn luôn đợi Quyên ở những sáng tác tiếp theo.
Hùm Xám qua sông quả thực thỏa được sự chờ đợi ấy. Cũng là một người viết cho thiếu nhi, tôi khá “ganh tỵ” vì Quyên đã xây dựng được một không gian truyện đậm tính dân tộc và cả thời sự: Không gian biển đảo. Yếu tố giáo dục, thông điệp lịch sử, văn hóa được lồng ghép rất “duyên” thông qua từng chuyến phiêu lưu, từng bước trưởng thành của chú chó nhỏ tên Hùm Xám.
Các học trò nhỏ của tôi cũng rất thích Hùm Xám. Có bạn còn ý định thiết kế cho Ốc Tiêu, chú chó nhỏ bị liệt hai chân sau trong truyện, một chiếc xe để đi lại thuận tiện hơn. Tôi hay “dụ khị” bọn nhỏ nghe kể chuyện hay đọc sách. Thấy học trò bới tung kệ sách lớp hay thỏ thẻ hỏi: “Cô ơi. Cho con mượn quyển này về nha!” lại lâng lâng vui. Trẻ nhỏ thời nay vẫn có nhiều bạn thích sách. Tôi vui vì được trở thành “kênh tư vấn kiêm phân phối” sách đọc cho học trò mình. Đầu năm đọc lại Hùm Xám qua sông cũng là một cách để tôi tự nhắc mình: Năm mới, tôi cũng nên viết thêm gì đó cho thiếu nhi.
Tác giả Trần Đình Ba:
Cuốn sách dự định đọc mở đầu năm mới của tôi, là sách Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu của Maurice Durand. Thật ý nghĩa và cũng nhẹ nhàng khi đầu năm mới, mở một cuốn sách mà ở đó, không chỉ đơn thuần là những bức tranh dân gian ở phương diện mỹ thuật của các dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống… Sâu xa hơn, tranh dân gian với những chủ đề đa dạng đã góp phần thể hiện một phần diện mạo đời sống văn hóa của dân tộc, giúp chúng ta thực hiện công cuộc “tìm về” với vốn văn hóa cổ truyền bao đời.
Ở đó những bức tranh là sinh hoạt làng quê với đời sống kinh tế thể hiện qua chùm tranh “tứ nghiệp” ngư, tiều, canh, mục, là sĩ, nông, công, thương. Đó là tín ngưỡng, tôn giáo qua những chùm tranh “Bát tiên quá hải”, “Tứ vị cậu quận”, tranh Ngọc Hoàng, Đức Thánh Mẫu… Ở sách này, còn có những bức tranh về lịch sử, văn học, trò chơi rất sinh động, được giải thích kỹ lưỡng, tường tận giúp độc giả hiểu nội dung, gốc nguồn bức tranh. Ngay như trò chơi ngày tết, tranh đã thể hiện sinh hoạt giải trí tinh thần của cha ông rất phong phú. Những bức tranh về trò xóc đĩa, đánh bài, đu quay, bịt mắt bắt chạch là một vài ví dụ cho sức sáng tạo trong phương cách giải trí của cha ông nhân lễ tết.
Chính vì thế, đọc Tranh dân gian Việt Nam không chỉ đơn thuần là xem tranh, thưởng lãm những hình ảnh trực quan được nghệ dân dân gian thổi hồn qua giấy. Mà qua đó, còn giúp chúng ta, đặc biệt là giới trẻ hiện nay hiểu, biết về văn hóa cổ truyền của cha ông đã góp phần tạc dựng nên văn hiến Việt Nam qua hàng nghìn năm.
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên:
Tác phẩm Quà Tết của rừng xanh của tác giả Hồng Chiến (NXB Kim Đồng vừa ấn hành) sẽ là một trong những tựa sách tôi chọn đọc trong những ngày mừng năm mới. Một phần, tôi rất ấn tượng với tiêu đề truyện, mặt khác đây lại là tác phẩm đầu tiên dự Giải thưởng Kim Đồng lần thứ nhất được xuất bản. Vừa đọc để khám phá câu chuyện và cũng là để dõi theo hành trình của các tác phẩm dự thi. Một điều đặc biệt nữa là tác giả Hồng Chiến trước đó từng có tác phẩm Chuồn chuồn ớt tìm mẹ được trao giải Khuyến khích - Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023, giải B - Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2023 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tôi luôn yêu thích những câu chuyện kể về rừng, về muôn loài. “Tập truyện ngắn với rất nhiều tiếng chim ca trong sắc vàng của hoa mai, cùng sự thắm thiết của tình bạn, tình thầy trò… Bất ngờ và gay cấn trong những chuyến đi rừng gặp hổ, cáo và thật cảm động khi biết lý do chú voi H’Jet dứt xích đuổi theo cậu bé lạ…” - những lời giới thiệu về tác phẩm càng hấp dẫn tôi.
Trong không khí mùa xuân, được chìm đắm vào không gian xanh biếc, hòa mình cùng các nhân vật vào rừng hái nấm, tìm mai, câu cá và nướng cá bên bờ suối… có phải là một cảm xúc quá êm đềm, hạnh phúc không? Tin rằng Quà Tết của rừng xanh sẽ đúng nghĩa là một món quà sách thú vị cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trong những ngày xuân mới.