Từ đầu năm tới nay, số người mắc cúm A/H1N1 trong cả nước chỉ còn rất ít, thậm chí cả tháng chỉ có 1 ca mắc. Tuy nhiên Bộ Y tế vẫn quyết định thực hiện kế hoạch tiêm vaccine cúm A/H1N1 cho đối tượng nguy cơ cao. Liệu có cần thiết?
TS Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong vòng 1 tháng qua, cả nước chỉ ghi nhận một trường hợp mắc cúm A/H1N1 ở Quảng Trị, hiện ca bệnh này đã khỏi bệnh xuất viện. Mặc dù số người mắc cúm A/H1N1 ở Việt Nam, cũng như trên thế giới chỉ còn rải rác, nhưng vào đầu tháng 6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đưa ra khuyến cáo, các quốc gia cần tiếp tục duy trì việc cảnh báo đại dịch cúm!
Mới đây Bộ Y tế đã đề nghị WHO cung cấp trước cho Việt Nam 200.000 liều vaccine cúm A/H1N1 để thử nghiệm trước khi tiêm. Giải thích về việc này, TS Bình cho biết, hiện trên thế giới đã có 49 quốc gia được nhận vaccine cúm A/H1N1 viện trợ của WHO, trong đó có 4 nước khu vực Đông Nam Á. Nhưng vì đây là một loại vaccine mới nên Việt Nam cần thử nghiệm trước khi tiêm để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Dự kiến từ nay tới cuối năm 2010, Việt Nam sẽ nhận được khoảng 1,2 triệu liều vaccine cúm A/H1N1 và tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao là cán bộ y tế phòng chống dịch, phụ nữ có thai và người già, người mắc bệnh mãn tính.
Liên quan tới thông tin về đại dịch cúm A/H1N1 đã bị thổi phồng, TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, WHO đưa ra nhận định tình hình nguy hiểm của dịch cúm là dựa trên những số liệu, bằng chứng khoa học, giám sát để dự báo tình hình dịch. Đến thời điểm này, WHO nhận định tình hình dịch ở Nam bán cầu vẫn chưa giảm, số người mắc và tử vong vẫn cao, nên quyết định để cảnh báo đại dịch ở cấp độ 6 (cấp độ cao nhất).
Trong khi “đại dịch” cúm A/H1N1 trong nước đang lắng xuống thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác lại đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Cục phó Nguyễn Văn Bình cho rằng, đáng ngại nhất hiện nay là dịch tả, dù không bùng phát rầm rộ như những năm trước, nhưng tại nhiều địa phương các ổ dịch nhỏ vẫn rải rác bùng phát, khiến việc kiểm soát, giám sát dịch bệnh này gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, những nghiên cứu mới đây cho thấy, vi khuẩn tả ở Việt Nam đang có sự thay đổi đặc tính di truyền và gia tăng độc lực cao, nguy hiểm hơn làm người mắc có bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn. Đặc biệt, cùng với tả thì sau nhiều năm, Việt Nam lại xuất hiện dịch lỵ trực khuẩn trên người, với ổ dịch ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng làm hơn 140 người mắc và 6 ca trẻ nhỏ tử vong. TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay ổ dịch này đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên điều cần xem xét ở đây, chính là khả năng giám sát, phát hiện dịch ở tuyến y tế cơ sở quá chậm, khiến dịch bùng phát lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
Trung Kiên