Theo bản án số 11 của Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng, nếu công ty Cam Ranh không có tiền để trả nợ ngân hàng thì phải bán đấu giá tài sản đã thế chấp để trả nợ.
Sau bản án số 11, vào ngày 23-10-2020 và 9-10-2021, công ty Cam Ranh đã tự nguyện thi hành án bằng các phương án giải quyết trả nợ nhưng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Khánh Hoà và Ngân hàng NN-PTNT CN tỉnh Khánh Hoà không có ý kiến phản hồi, để sự việc kéo dài đến nay.
Ngày 5-4-2022, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành họp và kê biên tài sản thế chấp ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Khánh hòa của công ty Cam Ranh, dù trước đó, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa đã thông báo với công ty Cam Ranh là tiến hành kê biên nhưng sẽ cưỡng chế tài sản với chi phí dự trù cho việc cưỡng chế này là 120 triệu đồng và công ty Cam Ranh phải chi trả.
Ông Nguyễn Quang Vỹ, đại diện công ty Cam Ranh, cho hay: “Năm 2020 và 2021, công ty Cam Ranh đã tự nguyện đề nghị thi hành án nhưng Cục THADS tỉnh Khánh Hoà không thực hiện, kéo dài mãi đến hôm nay. Cục THADS tỉnh Khánh Hoà ra thông báo kê biên tài sản và sẽ kèm cưỡng chế nhưng đến thời điểm này lại chỉ có kê biên tài sản. Công ty chúng tôi đã chuẩn bị 120 triệu đồng để trả tiền cưỡng chế cho Cục THADS tỉnh Khánh Hoà nhưng giờ số tiền ấy không biết trả cho ai” Ông Nguyễn Quang Vỹ thắc mắc: “Tại sao công ty Cam Ranh tự nguyện đề nghị thi hành án thì Cục THADS tỉnh Khánh Hoà và chủ nợ là Ngân hàng NN-PTNT Khánh Hoà không hồi đáp? Công ty Cam Ranh đã gửi đơn tố cáo vụ việc lên các cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh Khánh Hoà, vì cách làm này của Cục THADS tỉnh Khánh Hoà rất khó hiểu và gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với đối tác, khách hàng. Tài sản Công ty Cam Ranh thế chấp ngân hàng chưa được thẩm định giá, chưa đem ra bán đấu giá thì căn cứ vào đâu chấp hành viên Nguyễn Thái Hổ của Cục THADS tỉnh Khánh Hoà khẳng định là không đủ trả nợ?”.
Ông Nguyễn Thái Hổ, cho rằng: Luật cho phép chấp hành viên ước chừng giá trị tài sản thi hành án. Tuy nhiên, ông Hổ thừa nhận đã cảm tính khi khẳng định tài sản thế chấp của công ty Cam Ranh không đủ để trả nợ.
Ông Nguyễn Quang Vỹ không đồng ý việc Cục THADS tỉnh Khánh Hoà kê biên các tài sản khác của công ty ngoài những tài sản theo danh mục đã thế chấp ngân hàng. Theo ông Vỹ, tài sản thế chấp chưa được thẩm định giá, chưa đem ra bán đấu giá thì không thể khẳng định số tài sản này có đủ để trả nợ hay không.
Chúng tôi đã liên lạc với một cán bộ ngành thi hành án để tìm hiểu thêm. Vị cán bộ thi hành án này, cho biết: “Thi hành án phải thực hiện theo quyết định của tòa án. Trường hợp này phải tiến hành thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã thế chấp ngân hàng của công ty Cam Ranh. Nếu tài sản bán xong, đủ hoặc dư để trả nợ thì phải trả phần dư lại cho công ty Cam Ranh, nếu tài sản sau khi bán đấu giá không đủ để trả nợ thì bên ngân hàng phải tiếp tục khởi kiện để đòi phần nợ còn lại”, Vị cán bộ này, khẳng định: “Cơ quan THA phải thực hiện theo phán quyết của toà án. Nếu bán tài sản thế chấp của công ty Cam Ranh không trả đủ số tiền đã vay, sau khi ngân hàng khởi kiện tiếp và tòa án có phán quyết thì Cục THADS tỉnh Khánh Hòa mới được phép tiến hành kê biên tiếp tài sản (nếu có) của công ty Cam Ranh”.
Trước đó, Cục THADS tỉnh Khánh Hòa, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hoà đã tiến hành kiểm kê tài sản thế chấp của Công ty Cam Ranh và các tài sản này vẫn còn đầy đủ như bảng thống kê tài sản trong hợp đồng công ty này vay vốn ngân hàng.