Theo báo cáo, các kết quả giám sát, quan trắc độc lập, khách quan cho thấy không có sự xuất hiện các vết nứt mới. Bề mặt các miếng dán thạch cao được chủ đầu tư dán lên các vết nứt cũ để theo dõi không thấy bị mở rộng phát triển thêm.
Tuy nhiên, tại các vết nứt cũ có hiện tượng xuất hiện các vệt loang màu đen bong tróc của lớp sơn epoxy được sơn từ khi đưa hầm Hải Vân vào khai thác năm 2006 (đã bị lão hóa sau 13 năm khai thác). Nhiều vị trí không có vết nứt nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng bong tróc lớp sơn epoxy, dễ gây nhìn lầm là vết nứt nếu không quan sát kỹ.
Các báo cáo giám sát chấn động định kỳ hàng tháng cũng cho thấy vận tốc dao động vỏ hầm Hải Vân đều nhỏ hơn mức cho phép (<31,75mm/s). Đồng thời, theo các báo cáo quan trắc hàng ngày chuyển vị bê tông vỏ hầm cho kết quả phân tích độ lún và hội tụ của hầm ổn định trong giới hạn cho phép.
Cục QLĐB III cho biết, thời điểm nhận bàn giao quản lý hầm Hải Vân 1, Công ty CPĐT Đèo Cả đã thuê tư vấn Nippon Koei của Nhật Bản và Tư vấn Alpin Technik của CHLB Đức đánh giá hiện trạng toàn bộ hầm. Kết quả cho thấy trong hầm tồn tại khoảng hơn 320 vết nứt. Trong đó, chủ yếu là vết nứt nhỏ (phải dùng kính lúp mới có thể quan sát khe nứt) và 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi được đánh giá là có rủi ro về an toàn. Cả 8 vết nứt này đã được chủ đầu tư sửa chữa ngay cuối năm 2016 và không có diễn biến bất thường, không có biểu hiện tăng thêm, hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm và cho an toàn giao thông.