Theo quy hoạch, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau sẽ có tối thiểu 4 vị trí đỗ máy bay, cho các máy bay loại A320, A321 và tương đương. Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau sẽ đáp ứng công suất 3 triệu hành khách/năm và tối thiểu 3.000 tấn hàng hóa/năm, sân đỗ có tối thiểu 10 vị trí.
Đối với hệ thống đường cất/hạ cánh, giai đoạn đến năm 2030, sân bay này sẽ xây dựng đường cất hạ cánh mới 2.400mx45m, có thêm một số đường lăn nối kết nối và giữ nguyên cấu hình giai đoạn đến năm 2030.
Đối với nhà ga hành khách, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau sẽ cải tạo, nâng cấp nhà ga hiện hữu đạt công suất 0,5 triệu hành khách, khi có nhu cầu có thể mở rộng, đảm bảo khai thác công suất 1 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, nhà ga mới phía Bắc sẽ được xây dựng đạt công suất 3 triệu hành khách/năm.
Đồng thời, đến năm 2030, bãi đỗ xe trước nhà ga hành khách hiện hữu sẽ được mở rộng đảm bảo đáp ứng 1 triệu hành khách/năm. Đến năm 2050, mở rộng sân đỗ ô tô đồng bộ cùng nhà ga hành khách xây dựng ở phía Bắc, tổng diện tích bãi đậu xe đạt 24.000m2.
Quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau cũng định hướng cụ thể về việc xây dựng các công trình như kho hàng hóa, nhà ga hàng hóa, nhà điều hành của cảng, văn phòng các hãng hàng không, trạm y tế, trạm kiểm dịch động vật, thực vật, khu nhà xe ngoại trường, khu khẩn nguy cứu hỏa, khu bảo trì thiết bị mặt đất, trạm cấp nhiên liệu, khu dịch vụ bảo dưỡng máy bay...
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét, làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thống nhất nhu cầu sử dụng đất quốc phòng, an ninh, cùng các nội dung quy hoạch chi tiết đất quốc phòng, an ninh tại Cảng hàng không Cà Mau và các nội dung khác của hồ sơ quy hoạch.