Sáng 9-3, trao đổi với PV Báo SGGP qua điện thoại, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục Trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) xác nhận, đã có văn bản gửi Sở VH-TT tỉnh Bình Định liên quan đến việc thi công tu bổ, tôn tạo Di tích Tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VH-TT tỉnh Bình Định (chủ đầu tư Dự án Công trình xây dựng tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Tháp Bánh Ít) kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường – sinh thái của di tích. Kết quả gửi báo cáo về Bộ VH-TT-DL (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 11-3-2022.
Văn phòng Sở VH-TT tỉnh Bình Định cũng cho biết, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT vẫn đang đi công tác chưa về. Trong sáng 9-3, Văn phòng Sở VH-TT đã ghi nhận một số câu hỏi, ý kiến của các cơ quan báo chí liên quan đến thực trạng xây dựng, thi công tại Tháp Bánh Ít và sẽ phản hồi đến báo chí sau khi lãnh đạo sở có chỉ đạo cụ thể.
Trao đổi với PV Báo SGGP vào sáng 9-3, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này rất ghi nhận thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí trong đó có Báo SGGP. Ngay khi có phản ánh, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, chấn chỉnh lại một số nội dung không phù hợp tại dự án trên.
Cũng theo ông Lâm Hải Giang, hiện chủ đầu tư dự án là Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý về công trình, dự án trên.
Về nội dung này, PV Báo SGGP liên hệ với ông Nguyễn Văn Hảo, Đội trưởng Đội Thanh tra số 3 (Sở Xây dựng tỉnh Bình Định) và được biết, trong sáng cùng ngày (9-3), chủ đầu tư chỉ mới bổ sung được một số hồ sơ, một nhà thầu nhưng vẫn còn thiếu một số hồ sơ, hợp đồng. “Sáng nay chỉ có một nhà thầu đến, nên các hồ sơ, hợp đồng vẫn chưa đủ. Chúng tôi hẹn chủ đầu tư sáng thứ 6 (ngày 11-3) kêu đầy đủ các nhà thầu mang hồ sơ, hợp đồng đến để xác lập biên bản luôn”, ông Hảo cho biết.
Theo ông Hảo, trước đó, khi có thông tin phản ánh, Đoàn thanh tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì đã kiểm tra hiện trường, nhận thấy quá trình thi công, các nhà thầu huy động máy móc đến để thi công trong cụm di tích tháp Bánh Ít. Nội dung này không đúng với thẩm định ban đầu của Sở Xây dựng nên đề nghị tạm dừng thi công ở khu vực Tháp Chính (cụm Di tích Tháp Bánh Ít), di chuyển hết máy móc ra khỏi phạm vi tháp Bánh Ít và đề nghị bổ sung thêm các hồ sơ pháp lý về dự án.
Như Báo SGGP đã phản ánh, trước đó, một số người dân, du khách khi đến tham quan di tích cụm tháp Bánh Ít (thuộc công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia) đều không khỏi lo ngại trước thực trạng xây dựng phản cảm, xâm hại tại khu tháp cổ gần 1.000 năm tuổi này.
Cụ thể, đơn vị thi công huy động máy móc đến cụm tháp để san bạt, đào bới thi công các hạng mục gần chân tháp. Ngoài ra, đơn vị thi công san bạt nhiều mảng cây xanh quanh khu vực tháp, lối lên tháp... để làm mặt bằng phục vụ các công trình, hạng mục... trông rất phản cảm, nguy cơ xâm hại, làm biến dạng di tích này.
Trao đổi với PV Báo SGGP về thực tế trên, nhiều chuyên gia di sản, tháp Chăm tại Bình Định và Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại trước cách thức thi công tại Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Tháp Bánh Ít.
Dự án trên có tổng vốn đầu tư 25,6 tỷ đồng, được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngày 1-9-2021, giao Sở VH-TT tỉnh này làm chủ đầu tư.
Đơn vị tư vấn quản lý dự án là Công ty TNHH tư vấn, thiết kế, xây dựng Thiên Tường; đại diện nhà thầu thi công là liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc, Công ty TNHH Hùng Phát. Đại diện nhà thầu giám sát là liên doanh 3 doanh nghiệp tại Bình Định.
Đây là dự án thuộc nhóm C, vốn Ngân sách Nhà nước do tỉnh Bình Định quản lý, bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.
Di tích Tháp Bánh Ít là công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định. Căn cứ theo các tài liệu di tích, trước đây, quần thể Tháp Bánh Ít có số lượng kiến trúc rất nhiều, tạo thành một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh nằm ở vị trí trung tâm của 3 thành cổ, gồm: thành Thị Nại, thành Cha, thành Đồ Bàn. Năm 1982, công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh. |