Cục Cảnh sát giao thông: Trừ điểm giấy phép lái xe là hồi chuông cảnh báo các tài xế

Cục Cảnh sát giao thông (C08) Bộ Công an đang tham mưu Bộ Công an xây dựng 4 dự thảo nghị định của Chính phủ và xây dựng 15 dự thảo thông tư để tạo hành lang pháp lý đưa Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ vào cuộc sống. 

Liên quan những điểm mới trong các dự thảo, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông).

Hồi chuông cảnh báo cho tài xế

* PHÓNG VIÊN: Bộ Công an đang dự thảo nhiều nghị định liên quan thi hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông có thể chia sẻ những nghị định này có tác động gì vào thực tiễn và có những điểm mới gì?

* Đại tá NGUYỄN QUANG NHẬT: Hiện tại, C08 được Bộ Công an giao xây dựng 4 Nghị định và 15 thông tư triển khai thi hành Luật TTATGT đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Các nghị định được C08 tham mưu cho Bộ Công an gồm: Nghị định quy định về quản lý, sử dụng kinh phí từ thu, xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật TTATGT đường bộ; Nghị định quy định về đấu giá biển số xe; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hiện nay, có một số quy định mới về việc xử phạt vi phạm TTATGT đường bộ, đó là bổ sung quy định xử phạt trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe cơ giới, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, xe chở học sinh, trẻ em, mầm non, xe vận chuyển động vật tươi sống…

DSC02282.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Nhật trao đổi với phóng viên. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định xử phạt còn bổ sung một số hành vi vi phạm mới như chuyển làn đường không đúng quy định (mỗi lần chuyển làn chỉ được phép chuyển sang 1 làn đường liền kề); điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về làn đường bên phải theo chiều đi của mình; vượt xe trong hầm đường bộ; xúc phạm, đe dọa, cản trở, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ…

Những quy định về các hành vi trên cũng xuất phát từ thực tiễn, ví dụ như cản trở người thi hành công vụ, hiện nay đã quy định cụ thể, rõ hơn, tường minh hơn để có biện pháp xử lý.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT còn sửa đổi, mô tả lại một số hành vi vi phạm như sử dụng đèn, còi, tránh xe, vượt xe, dừng đỗ xe. Ví dụ như đỗ xe mà chiếm một phần đường xe chạy, không báo hiệu khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo theo quy định là vi phạm. Việc này cũng xuất phát từ thực tiễn hàng loạt vụ tai nạn như, trước đây chúng ta thường nói với nhau hành vi trên là “kỹ năng”, nhưng nay đã được luật định và quy định rõ để xử lý, như vụ việc vừa qua ở Đắk Lắk cũng có phần lỗi dừng đỗ xe sai quy định.

* Trong dự thảo nghị định có nêu quy định về trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe và tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề, việc này được xây dựng và triển khai ra sao?

- Nội dung này thực hiện theo điều 58 của Luật TTATGT đường bộ. Theo đó, giấy phép lái xe có 12 điểm, số điểm bị trừ sẽ căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm của các hành vi. Dữ liệu trừ điểm sẽ được cập nhật ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người vi phạm biết.

Việc này đồng nghĩa, trong 1 năm, giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu bị trừ hết điểm thì thời hạn ít nhất 6 tháng người vi phạm phải học lại kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ. Khi có kết quả học tập đạt yêu cầu sẽ được phục hồi 12 điểm.

Qua đây, tôi cũng phải nhấn mạnh, việc trừ điểm không phải là một hình thức xử phạt vi phạm hình chính, không áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Trong dự thảo, chúng tôi đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi sẽ bị trừ điểm trong giấy phép lái xe, trong đó có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm tuyệt đối 12 điểm, đây là những hành vi mang tính chất cố ý, nguy hiểm, có nguy cơ cao để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên.

Trên thực tế, qua quá trình theo dõi công tác bảo đảm TTATGT, C08 nhận thấy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một thành tố chính của hoạt động giao thông đường bộ, liên quan trực tiếp tới TTATGT. Thống kê nguyên nhân các vụ tai nạn vừa qua có từ 80, thậm chí 90% là do lỗi từ người điều khiển phương tiện. Do đó, việc xác định ngăn chặn được hành vi vi phạm cũng có nghĩa phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông.

z4914100739977_06cfbf061a1b01c064a693fcfab718e7.jpg
Bộ Công an đang đề xuất giảm mức phạt vi phạm hành chính đối với nồng độ cồn mức tối thiểu

Trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước có tính chất răn đe, vừa có tính chất giáo dục, động viên người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Việc phục hồi điểm giấy phép lái xe cũng là một biện pháp để người điều khiển phương tiện nhận thức đầy đủ về hành vi của mình, thông qua nghiên cứu, học tập các kiến thức. Chúng tôi cho rằng, mỗi lần bị trừ điểm cũng như một tiếng chuông cảnh tỉnh, cảnh báo với những người điều kiển phương tiện tham gia giao thông, phải có ý thức chấp hành.

* Như vậy, với người điều khiển phương tiện vi phạm là bị trừ điểm ngay?

- Phải có quyết định xử phạt mới trừ điểm. Một hành vi vi phạm khi đã có quyết định xử phạt và quyết định đó là quyết định trừ điểm thay cho việc tước giấy phép như trước đây. Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Tiếp tục tiếp thu hoàn thiện dự thảo

* Vì sao C08 đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu mà không phải ở mức trung bình hay vượt khung?

- Quá trình nghiên cứu để đưa ra dự thảo, chúng tôi tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp của các bộ, ban, ngành. Có nhiều ý kiến nói cần phải giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu (mức 1). Lý do nhiều ý kiến đưa ra vì theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, với 1 người đàn ông khỏe mạnh uống 1 ly rượu, sau 1 tiếng đồng hồ kết quả cho đo được kết cho thấy người này có ngưỡng nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/lít khí thở.

Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước. Nhưng vấn đề này, chúng tôi cần phải tiếp tục nghiên cứu và có thể cần tổ chức các hội thảo.

* Thưa ông, thực tế hành vi vi phạm nồng độ cồn thường ở mức trung bình (vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở) và mức cao (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở). Quan điểm của C08 là gì?

- Vấn đề đó, chúng tôi đã có thống kê theo từng mức để có cơ sở xây dựng dự thảo cho phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm. Đây mới chỉ là dự thảo, trong quá trình xây dựng, chúng tôi đã tiếp thu các ý kiến và dự thảo cũng như tham khảo các kinh nghiệm quốc tế.

Ngày 8-8, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp) cho rằng, việc xử phạt nghiêm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia (năm 2019) và Nghị định 100 được thi hành (cấm tuyệt đối nồng độ cồn và kèm theo đó là các mức xử phạt nghiêm) do thời điểm đó, tình trạng vi phạm nồng độ cồn trở nên nhức nhối; những trường hợp vi phạm nồng độ cồn nghiêm trọng gây ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

z5710650938772_90e882e48a7fce6878349a814e708e39.jpg
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Trong bối cảnh đó, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia ra đời là phù hợp và mức xử phạt của Nghị định 100 là nghiêm minh.

"Song, từ đó đến nay tình hình kinh tế - xã hội có thay đổi, những trường hợp vi phạm nồng độ cồn được kéo giảm. Nghị định 100 cùng với Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cùng các hoạt động tuyên truyền pháp luật của các cơ quan chức năng đã khiến cho ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tốt lên, đã tác động tới hành vi, tới thói quen trong xã hội. Hiện tượng vi phạm nồng độ cồn được kiểm soát tốt. Qua 5 năm áp dụng Nghị định 100, việc nới lỏng mức xử phạt nồng độ cồn tối thiểu là phù hợp”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục