Cục Báo chí: Nền tảng mạng xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng có hàng triệu lượt thích

Tại diễn đàn “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp” do 3 cơ quan báo chí Hànộimới, Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ TT-TT) thông tin, tính từ đầu năm tới 20-9, có khoảng 16.000 tin bài tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, trong đó Báo Sài Gòn Giải Phóng là một trong những cơ quan có lượng tin, bài nhiều.

Bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) thông tin, với lượng tin, bài tuyên truyền như trên, tính trung bình mỗi ngày có khoảng 60 tin, bài/ngày liên quan đến tuyên truyền về Đại hội Đảng. Qua phân tích, đo lường tin bài cụ thể trên Báo Sài Gòn Giải Phóng trong thời gian trên có 134 tin, bài; mức độ lan tỏa là 582 (báo in, báo điện tử, mạng xã hội), Báo Thừa Thiên Huế 46 tin, bài; báo Nghệ An hơn 200 tin, bài… cho thấy vai trò của báo Đảng địa phương rất lớn, làm tốt vai trò của mình.

Bàn về sự lan tỏa thông tin không chỉ trên ấn phẩm điện tử, mà đặc biệt là trên không gian mạng theo xu hướng hiện nay, đồng chí Mai Hương Giang nhận định, các cơ quan báo chí đã và đang thực hiện những bước chuyển đổi số khá mạnh mẽ. Năm 2023, lần đầu tiên, Bộ TT-TT công bố xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Trong đó, top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương gồm các báo Sài Gòn Giải Phóng, Hànộimới, Nghệ An, Khánh Hòa và Người lao động.

DSC02190.jpg
Bà Mai Hương Giang thông tin tại diễn đàn. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Hiện nay, các báo Sài Gòn Giải Phóng, Hànộimới đã có trang thông tin đầy đủ trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok với lượng theo dõi đông đảo. “Trước kia, bạn đọc vào Facebook nhiều để xem tin tức, nhưng hiện nay chuyển sang nền tảng Tiktok, bản thân tôi cũng hay vào Tiktok. Tôi cũng theo dõi Báo Sài Gòn Giải Phóng ở các nền tảng, trên Facebook đã có tích xanh và cũng có nhiều lượt theo dõi ở các nền tảng khác như Youtube, Tiktok với hàng triệu lượt thích. Chúng tôi là cơ quan quản lý nên cũng hay vào nền tảng mạng xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng để xem báo tuyên truyền những gì liên quan tới Đại hội Đảng các cấp, thực sự lan truyền rất nhanh và nhiều thông tin”, bà Giang cho biết.

Qua phối hợp với Google tổ chức khảo sát trên không gian mạng, Cục Báo chí nhận thấy, vai trò của các phóng viên, cơ quan báo chí địa phương rất quan trọng, tin tức địa phương được người dân đặc biệt quan tâm. Vì vậy, các báo Đảng địa phương luôn có thế mạnh, không chỉ trong tuyên truyền Đại hội Đảng.

Tại diễn đàn trên, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, các cơ quan báo chí cần có đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, làm rõ những bài học kinh nghiệm. Trong Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, cần xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá, từ đó tổ chức thực hiện các sản phẩm báo chí đúng, trúng, nhanh.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng nhận định, để việc tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp đạt hiệu quả, các cơ quan báo chí cần tạo diễn đàn trong Đảng, trong nhân dân ở các địa phương với tinh thần thoải mái, dân chủ, xây dựng.

“Tôi mong muốn, các cơ quan báo chí sẽ mở những đợt sinh hoạt chính trị trên báo mình, từ báo in, truyền hình, phát thanh và các nền tảng số, để tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; tập hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân để tạo niềm tin, động lực tinh thần to lớn. Cách thức tuyên truyền trên các tác phẩm báo chí theo tinh thần “nội dung là vua, hình thức là nữ hoàng”. Khi tiến hành các đổi mới về cách thức tuyên truyền, các tòa soạn cần chú trọng sử dụng các công nghệ mới. Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn”, nhà báo Hồ Quang Lợi góp ý.

Tin cùng chuyên mục