Ông Miguel Diaz-Canel được kỳ vọng ông sẽ tiếp nối những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Cuba đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Miguel Diaz-Canel - người kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Raul Castro
Điềm tĩnh, hiện đại, được lòng dân
Sinh ngày 20-4-1960 tại Placetas, tỉnh Villa Clara, ông Miguel Diaz-Canel tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học Trung ương Las Villas năm 1985 và bắt đầu sự nghiệp trong Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Rời quân ngũ, ông quay lại giảng dạy tại đại học trước khi đi công tác 2 năm ở Nicaragua (1987-1989).
Trở về Cuba, ông dần có những bước tiến trong sự nghiệp chính trị, trước tiên là trở thành lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản, tiếp theo được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba năm 1991. Theo đài RFI, ở mọi chức vụ, ông Miguel Diaz-Canel luôn thể hiện là một lãnh đạo trẻ điềm tĩnh, hiện đại và được lòng dân.
“Diaz-Canel không làm thế để tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng. Ông làm thế vì đó là bản chất của ông. Ông ấy là một người rất thẳng thắn” - một nhà báo địa phương viết.
Hãng Reuters nói về nhà lãnh đạo của Cuba như sau: Ông di chuyển bằng xe đạp khi xăng dầu khan hiếm, mặc quần jeans, tự nhận là fan của ban nhạc Anh Beatles và thành lập trung tâm văn hóa Santa Clara … Ông là một người tài giỏi trong giới chính trị. Khi giữ chức lãnh đạo ở cấp tỉnh, ông đã xây dựng được danh tiếng là một nhà quản lý hiệu quả và thấu hiểu những lo lắng của người dân. Người ta thường xuyên nhìn thấy ông đi xe đạp quanh TP Villa Clara (ông không đi xe hơi do chính phủ cấp), khiến ông được cộng đồng mà ông phục vụ quý mến và thể hiện cam kết của ông đối với các lý tưởng cách mạng. Như một nhà báo địa phương có quen biết ông vào thời điểm đó giải thích: “Diaz-Canel không làm thế để tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng. Ông làm thế vì đó là bản chất của ông. Ông ấy là một người rất thẳng thắn”.
Sau khi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, ông Miguel Diaz-Canel tiếp tục trở thành thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất gồm 14 thành viên của Đảng Cộng sản Cuba, vào năm 2003, ở tuổi 43. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục vào năm 2009 và được lựa chọn làm Phó Chủ tịch thứ nhất của Cuba vào năm 2013, rồi trở thành người kế nhiệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba.
Thay đổi sắp diễn ra
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Cuba khóa IX, tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba khẳng định sẽ làm tròn trọng trách mà nhân dân Cuba tin tưởng giao phó, tiếp tục cùng người dân đảo quốc này trung thành với di sản của lãnh tụ Fidel Castro và nối tiếp tấm gương của lãnh đạo hiện nay của cách mạng Cuba Raul Castro.
Ông Miguel Diaz-Canel được kỳ vọng tiếp tục đem lại sự phát triển cho Cuba
Nhiều hãng tin trên thế giới nhận định để thực hiện được những cam kết của mình, ông Miguel Diaz-Canel sẽ phải giải quyết những thách thức với nền kinh tế của Cuba hiện nay như chấm dứt hệ thống 2 đồng tiền peso lưu thông song song trên thị trường khiến nền kinh tế mất cân đối, tái khởi động nền kinh tế Cuba, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đường bị lơ là nhiều năm qua…
Tạp chí Foreign Affairs cho rằng không ai có thể dự đoán chính xác cách ông Miguel Diaz-Canel sẽ phản ứng trước những thách thức này và điều này cần phải có thời gian, nhưng một điều không thể phủ nhận là sự thay đổi sắp diễn ra khi mà cộng đồng quốc tế đang tích cực tham gia vào công cuộc hỗ trợ phát triển ở đảo quốc Caribbean.
Trong một chuyến thăm tới La Habana vào đầu năm 2018, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị hỗ trợ Cuba trong vấn đề thống nhất tiền tệ rất bức thiết của nước này dựa trên kinh nghiệm của họ về việc giới thiệu đồng euro. Tương tự, các quan chức Thụy Điển đã đề xuất hỗ trợ Ngân hàng Trung ương Cuba xây dựng hệ thống thuế lũy tiến đang phát triển của nước này.
Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, đã giải thích trong một cuộc họp báo tại La Habana: “Có các cơ hội cho thương mại, đầu tư và thúc đẩy giải pháp chung cho những thách thức toàn cầu như di cư và biến đổi khí hậu... Chúng ta có thể thảo luận với Cuba về tất cả các vấn đề bất chấp việc còn có khác biệt giữa hai bên”.
Các chủ nợ của Cuba cũng đã tìm cách hỗ trợ Cuba. Năm 2015, các bên cho vay thuộc Câu lạc bộ Paris (gồm Pháp, Tây Ban Nha và Anh) đã ký kết một thỏa thuận với Cuba để xóa hoặc tái thương lượng về khoản nợ 11,1 tỷ USD của nước này. Thỏa thuận này sẽ giúp Cuba hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới. Dù Cuba vẫn bị cô lập khỏi các thể chế tài chính quốc tế truyền thống như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các cơ quan khác như Ngân hàng phát triển Mỹ Latinh và Ngân hàng hội nhập kinh tế Trung Mỹ, đang cung cấp viện trợ kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cải cách kinh tế trên hòn đảo này.
Trung Quốc và Nga cũng đã tích cực hỗ trợ, hợp tác với Cuba. Năm 2011, Cuba đã tái cơ cấu khoản nợ 6 tỷ USD của nước này với Trung Quốc. Năm 2014, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới La Habana, Nga đã xóa khoản nợ trị giá 32 tỷ USD cho Cuba. Cả hai nước này cũng đang đầu tư nhiều vào Cuba. Đầu tháng 3-2018, Trung Quốc đã viện trợ cho Cuba 36 triệu USD cho các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nước, năng lượng tái tạo và công nghệ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Cuba, với lượng hàng xuất khẩu sang hòn đảo này trong năm 2017 lên tới 1,8 tỷ USD. Thương mại của Nga với Cuba cũng đã gia tăng nhanh chóng trong 2 năm qua, với xuất khẩu sang Cuba tăng 81% trong năm 2017. Nga cũng đang xuất khẩu dầu sang Cuba nhằm giúp bù đắp cho việc La Habana mất trợ cấp dầu của Venezuela...
Theo tạp chí Foreign Affairs, một thách thức lớn về đối ngoại mà ông Miguel Diaz-Canel phải giải quyết đó là chính sách thù địch của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama, ông Donald Trump đã thực hiện các bước đi hạn chế cải thiện quan hệ Mỹ với Cuba: làm chậm lại (cho dù không cấm) hoạt động du lịch của Mỹ tới hòn đảo này, hạn chế các khả năng cho can dự thương mại mới và cắt giảm mạnh số lượng nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Cuba.
Tạp chí trên nhận định trong khi các quốc gia khác đang xây dựng các chính sách để hỗ trợ tiến trình thay đổi tại Cuba, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với quốc đảo này ngày càng giống với một chính sách từ những ngày đầu của Chiến tranh lạnh. Đồng thời cho rằng Mỹ không thu được lợi ích gì từ chính sách thù địch hiện nay của Washington. Trên thực tế, với việc tìm cách cô lập Cuba, Washington sẽ chỉ cô lập thành công chính mình.
Những cải cách chính của Chủ tịch Raul Castro
Theo mạng tin IPS, trong 10 năm cầm quyền, Chủ tịch Raul Castro đã thúc đẩy một cách “không vội vàng nhưng không ngừng nghỉ” một gói cải cách. Về cơ bản, những cải cách chính tập trung trong nông nghiệp, đầu tư nước ngoài và mở cửa cho lĩnh vực tư nhân. Cụ thể là:
- Giao đất nhàn rỗi cho nông dân cá thể và hợp tác xã.
- Thông qua các “hình thức sản xuất phi nhà nước” hay “việc làm tự doanh” (kinh doanh cá thể tư nhân).
- Cho phép hoạt động mua bán bất động sản, xe hơi và các tài sản lớn khác, cũng như cho phép công dân Cuba được nghỉ dưỡng tại các khách sạn và các cơ sở dịch vụ khác sử dụng ngoại tệ.
- Cho phép tự do đăng ký thuê bao điện thoại di động và kết nối Internet, mở bán máy vi tính, máy in và các thiết bị thông tin khác tại các cửa hàng thu ngoại tệ.
- Cải cách Luật Di trú, trong đó đáng kể nhất là việc xóa bỏ quy định công dân Cuba lưu trú quá 2 năm tại nước ngoài mà không làm nhiệm vụ của nhà nước sẽ bị mất tư cách công dân.
- Ban hành Luật đầu tư nước ngoài mới, nới lỏng một số hạn chế pháp lý từng áp đặt trong những năm 1990.
- Thành lập một chợ đầu mối hướng tới các hợp tác xã phi nông nghiệp tại La Habana, với dự định mở rộng ra các địa phương khác sau khi đánh giá kết quả thu được.