Nội dung trên được nêu trong báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mà Cuba gửi tới Chương trình Phát triển LHQ (UNDP). Báo cáo NDC là tài liệu định kỳ mà các quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đệ trình lên LHQ.

Theo đó, Cuba hướng tới mục tiêu lắp đặt 92 công viên quang điện với tổng công suất 2.000MW vào năm 2028, trong đó đã có 8 công viên với tổng công suất 21,8MW đi vào hoạt động chỉ trong vòng 3 tháng qua. Theo Bộ Năng lượng và mỏ Cuba, đây là một phần trong chiến lược đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Hiện tại, năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm chưa đến 10% trong cơ cấu năng lượng của Cuba. Phần lớn điện năng vẫn đến từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu nội địa, cùng với động cơ phát điện chạy dầu diesel và dầu nhiên liệu nhập khẩu.
Với diện tích 110.000km2 trải dài trên vùng biển Caribe đầy nắng, trung bình mỗi ngày Cuba thu nhận lượng bức xạ ánh sáng tương đương với nhiệt lượng của 50 triệu tấn dầu. Theo tính toán của các chuyên gia, nhiệt năng từ bức xạ Mặt trời mà Cuba thu nhận trong 1 ngày còn lớn hơn tổng nhiệt năng mà quốc gia này tiêu thụ trong cả 5 năm theo tốc độ hiện tại.
Ông Rosell Guerra, Giám đốc Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Năng lượng và mỏ, cũng khẳng định Cuba sở hữu tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng Mặt trời, gió và sinh khối rừng. Với các dự án quang điện công suất 1.000MW dự kiến hoàn thành trong năm 2025, Cuba sẽ đạt 8% trong tổng mục tiêu 24% điện năng từ nguồn tái tạo vào năm 2030. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, Chính phủ Cuba đang triển khai chính sách ưu đãi hấp dẫn, bao gồm miễn thuế trong 8 năm và miễn thuế hải quan cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển dự án năng lượng tái tạo.
Sự chuyển đổi này đến trong bối cảnh Cuba đang phải đối mặt với thách thức năng lượng nghiêm trọng. Theo số liệu chính thức, quốc gia này tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn nhiên liệu hàng năm nhưng chỉ sản xuất được 3 triệu tấn, buộc phải nhập khẩu hơn 40% nhiên liệu cho sản xuất điện. Tình trạng mất điện kéo dài do các nhà máy nhiệt điện cũ kỹ, thường xuyên gặp sự cố, đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và hoạt động kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, Cuba cũng cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành sản xuất chủ lực như mía đường và chăn nuôi gia súc. Trong giai đoạn 2031-2035, quốc gia này đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm được khoảng 329.000 tấn dầu mỗi năm. Cuba nhấn mạnh, các nước phát triển cần có trách nhiệm lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do họ có năng lực tài chính mạnh hơn và lịch sử phát thải cao hơn. Theo đó, Cuba kêu gọi hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ là yếu tố then chốt để các nước đang phát triển thực hiện các cam kết khí hậu.
UNDP đánh giá cao nỗ lực của Cuba trong việc cân bằng giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước này phải chịu cấm vận kéo dài suốt 60 năm qua.